Theo dõi trên

Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba

07/04/2025, 14:28

BTO - “Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba Khắp miền truyền mãi câu ca Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm”.

Lịch sử của dân tộc ta được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao to lớn của các Vua Hùng trong việc xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, cùng với quê hương đất tổ là tỉnh Phú Thọ, nhiều địa phương trong cả nước đã thành kính tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn. Trên địa bàn tỉnh ta, ngoài việc tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong thì còn có rất nhiều gia đình đã chuẩn bị mâm cơm tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.

e44ec9767b3fc861912e.jpg
Mâm cơm tri ân công ơn các vua Hùng  được gia đình ông Ẩn chuẩn bị

Hằng năm, cứ đến ngày 10.3 âm lịch, ông Nguyễn Ngọc Ẩn (phường Mũi Né – Tp. Phan Thiết) lại dạt dào cảm xúc hướng về đất Tổ Phú Thọ. Ông cho biết, đó là cảm xúc tự hào, khi mà đất nước mình có đất Tổ, Vua Tổ. Hôm nay, gia đình ông Ẩn rất nhộn nhịp. Con cháu, anh em trong gia đình tụ họp đông đủ để cùng làm mâm cơm cúng giỗ Tổ Vua Hùng. Mâm cơm mà gia đình ông chuẩn bị để dâng lên là 1 con heo quay cùng các vật phẩm truyền thống khác… “Vào ngày Giỗ Tổ, gia đình tôi cũng soạn sửa mâm cơm cúng, trước là để thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với công lao các Vua Hùng, tổ tiên. Đồng thời đây cũng là dịp để chúng tôi giáo dục con cháu về cội nguồn, nhắc nhở các cháu cố gắng phấn đấu học hành, lao động để xứng đáng là con cháu Vua Hùng”, ông Ẩn chia sẻ.

77d7d0d06099d3c78a88.jpg
Các du khách tham quan cũng đã được thắp những nén nhang tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng

Đặc biệt, ông Ẩn là chủ nhân của Bảo tàng cổ vật Mũi Né - bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Bình Thuận được công nhận vào năm 2023, miễn phí vé cho du khách đến tham quan. Vì vậy, những ngày nghỉ lễ này rất đông du khách ghé thăm. Chứng kiến, ông Ẩn cùng gia đình làm mâm cơm tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước, nhiều du khách đã ngõ ý cùng được tham gia.

Cũng theo quan niệm “Chim có tổ, người có tông”, những người con Phú Thọ xa quê, đang sinh sống ở Bình Thuận cũng đã làm mâm cơm để tri ân, tưởng nhớ các Vua Hùng. Chị Hoàng Thị Lụa (xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh) kể: Quê chị ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Vào ngày Giỗ Tổ, làng tổ chức cúng ở đình làng. Người già khăn đóng áo thụng thành kính thắp nhang trước bàn thờ Tổ, cảm ơn ân đức tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Còn thanh niên hết thi gói bánh chưng, bánh dày, rồi chơi các trò chơi dân gian. Sau lễ cúng ở đình, các gia đình sẽ cúng ở nhà. Theo thời gian, chị lớn lên, đi học rồi đi làm ăn xa, lập gia đình ở Bình Thuận, nơi này trở thành quê hương thứ hai. Nhưng những ngày này, mâm cơm cúng Tổ Hùng Vương nơi quê cha Đất Tổ vẫn còn in đậm trong tâm trí của chị.

Chính vì vậy mà hơn 10 năm lập nghiệp ở quê mới, theo phong tục của quê hương, vào ngày Giỗ Tổ chị đều làm mâm cơm thờ cúng tổ tiên gồm xôi ngũ sắc, gà và các loại hoa quả. “Tôi đứng trước bàn thờ tổ tiên, thành kính thắp nén nhang thơm với tất cả lòng tự hào, thành kính, biết ơn đối với các Vua Hùng, những người đã khai sinh ra dân tộc và đặt nền móng cho đất nước”, chị Lụa cho biết.

319feaeb69a2dafc83b3.jpg
Mâm cơm dâng lên các Vua Hùng (ảnh minh hoạ)

Năm 2001, Chính phủ công nhận Giỗ Tổ Hùng Vương là quốc lễ. Năm 2007, ngày 10/ 3 âm lịch chính thức trở thành ngày nghỉ lễ toàn quốc. Ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam ta.

Có thể nói, tình yêu đất nước và lòng tự hào nguồn cội là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Ngày Giỗ Tổ là để cùng nhau nhớ về tổ tiên; nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau. Cũng giống như: “Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. 

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Âm vang sức 
sống di sản Chăm
BTO- Tại tháp Chăm Pô Sha Inư (còn gọi Tháp Chăm Phố Hài), nằm trên đồi Bà Nài cao lộng gió, liên tục diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ độc đáo phục vụ nhu cầu tham quan và thưởng lãm nghệ thuật của người dân địa phương và khách du lịch, dịp xuân Đinh Dậu 2017.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba