Du khách không những chiêm ngưỡng các đền tháp cổ kính mà còn được thưởng thức biểu diễn dệt thổ cẩm, làm gốm, nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm với phong cách độc đáo. Trong tiếng trống Ghi năng, Paranưng đầm ấm, tiếng kèn saranai lúc hân hoan réo rắt, lúc khắc khoải vang lên hòa với câu hát dân ca như muốn nói tiếng nói tâm tình, chan chứa của lòng người. Bằng điệu múa uyển chuyển trên nền nhạc truyền thống “không sân khấu hóa”, múa quạt, múa lu… thể hiện “cái hồn” người Chăm, ca ngợi tình yêu lứa đôi nam nữ, tinh thần lao động… tạo cảm giác gần gũi, tự nhiên. Không khí ca múa Chăm ngày xuân bên chân tháp Chăm nhộn nhịp, vui tươi làm cho di sản giàu sức sống, có hồn, níu kéo du khách.
Xem Clip
Khi hoàng hôn đổ bóng bên chân tháp cổ kính nghìn tuổi, cũng là lúc du khách chia tay những thiếu nữ Chăm duyên dáng, mộc mạc trong những điệu múa. Những âm hưởng kinh điển từ các nhạc cụ Chăm truyền thống cùng những điệu múa uyển chuyển, mê hoặc kỳ lạ luôn làm say lòng biết bao lữ khách! Tất cả các hoạt động văn hóa văn nghệ Chăm tại tháp Pô Sha Inư là tấm gương phản chiếu những sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ di sản văn hóa Chăm đồ sộ mà người Chăm tích lũy được trên dặm đường lịch sử của mình; như minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng.
Trang Minh