Lễ hội cầu an của người Chăm bị gián đoạn, tính đến nay đã 14 năm, nay mới tổ chức lại. Nên bà con rất vui mừng, chuẩn bị lễ vật dâng cúng với lòng thành kính, mong các vị thần linh phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ cúng cầu an bắt đầu với nghi Lễ tống Na của các vị thầy Pắk, thầy Xế (đạo Bà-la-môn). Sư cả Pắk và thầy Xế tiến hành thực hiện khấn vái tứ phương nhằmxua đi những gì không may mắn, không tốt đẹp của những năm cũ; cầu cho Quốc thái dân an, cuộc sống của cộng đồng người Chăm no ấm và bình an.
Xem clip
Tiếp theo là lễ cúng RiJa của thầy Bóng (hay còn gọi Ônkainh). Chủ trì buổi lễ là ông Ôn Kainh cùng với ông Ôn Mưduon (thầy Vỗ) phụ lễ. Mở đầu nghi thức tế lễ, ông Ôn Kainh vừa đánh trống Paranưng vừa hát cúng. Nội dung các bài hát cúng là kể lại sự tích các vị thần linh, mời các vị thần về hưởng lễ vật và cầu xin sự phù trợ của các vị thần đối với cộng đồng. Ông Ôn Kainh mặc áo đỏ, đầu quấn khăn đỏ tay cầm quạt giấy múa đồng theo nhịp trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghinăng.
Nghi thức đạp lửa do Ôn Kainh và một người khác trong làng được Ôn Kainh mời ra cùng đạp lửa với mình. Đống lửa đang cháy tượng trưng cho những gì không tốt đẹp trong năm, vì vậy dập tắt đống lửa có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ôn Kainh tiếp tục khấn mời tất cả các vị Chey (Mưda Chey), vị Pô Tanh Hó (Pô Rí Dá) - Thần sóng biển. Khi các vị thần linh đã về chứng giám, lúc này Ôn Kainh cầm cây mía và bầu rượu múa điệu chèo thuyền (theo truyền thuyết đây là một vị thần của biển cả), vừa múa vừa mời mọi người có mặt trong rạp uống rượu chung vui cùng thần sóng biển.
Đạo Hồi giáo (Bà Ni) cũng thực hiện nghi lễ cúng Pô A Loắk (vị thần của hệ phái Bà Ni) cầu cho buổi lễ được diễn ra suôn sẻ.
Chiều tối, Lễ vô kinh cúng các vị thần của các hệ phái cũng diễn do các thầy Pô Pắk, thầy Xế; thầy Còke ; thầy Vỗ và các Mum, thầy Chang cúng tại rạp riêng. Khi thầy vỗ làm lễ múa cúng RiJa người dân múa hưởng ứng theo nhịp trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghinăng. Các nghi thức được thực hiện đến 21 giờ 30, kết thúc ngày đầu tiên của lễ hội.
Sáng hôm sau khung cảnh lễ hội trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn dân làng tập trung đông đúc để chứng kiến lễ chém trâu tế thần. Nghi lễ này do các vị Mum cụ và các thầy chang Hồi giáo (Bà Ni) thực hiện. Theo tập tục thì con trâu tế thần phải là trâu đực lành lặn không bị thương tật, tốt nhất.
Trước khi hành lễ các vị Mum và thầy Chang cúng mời các vị thần linh và thánh A La chứng giám, mang lại bình yên cho dân chúng. Sau đó, các vị tiến hành thực hiện làm mô hình Thánh đường Hồi giáo và rước cây Bảo Trượng từ Thánh Đường chính - Tại thôn Vĩnh Hanh, đến nơi hành Lễ. Các Mum và thầy Chang cúng khấn các vị thần xong giao trọng trách cho Ôn Típ Tân hành Lễ chém trâu .
Ngoài những lễ vật kể trên thì Ôn Pắk, thầy Xế còn tạo thêm 1 cặp hình nhân thế mạng bằng bột. Ôn Pắk, thầy Xế dùng thân chuối làm một chiếc bè hình vuông (Pó Plík), ông dùng bột nặn hình 2 vị thần, một vị thần nam có tên Pô Chích Lan Ka và một vị thần nữ mang tên Pô Pzà Năm Mứk. Hai hình nhân được ông Ôn Pắk, thầy Xế đặt trong chiếc bè và mặt của 2 hình nhân nhìn về hướng Đông sau đó họ mang chiếc bè thả ra sông. Theo phong tục cổ truyền, người Chăm cho rằng 2 vị thần này là hai sứ giả có nhiệm vụ mang những điều xấu, những việc không tốt của dân làng thả xuống biển.
Đây là lễ hội truyền thống của người Chăm Phú Lạc, cầu cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào, cuộc sống ngày càng no đủ hơn. Lễ hội này còn tạo thêm sự đoàn kết gắn bó hơn giữa bà con người Chăm 2 đạo Bà Ni, Bà-la-môn để cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
NL