Theo dõi trên

“Tiếp lửa” khởi nghiệp trong thanh niên

28/10/2022, 05:35 - Lượt đọc: 1,254

Thanh niên khởi nghiệp là câu chuyện đương nhiên trong mọi thời điểm, song nhiệt huyết, đam mê và con đường khởi nghiệp của mỗi người thì sẽ luôn là một câu chuyện đầy ý nghĩa và không kém phần thú vị. Đó là từng câu chuyện về những người trẻ tuổi với một ý chí vững vàng khi dấn thân vào con đường lập thân, lập nghiệp, chấp nhận mọi khó khăn kể cả rủi ro. Trên hành trình ấy, "bệ đỡ" mà họ cần chính là sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Khi người trẻ dấn thân

Cuộc hẹn gặp của tôi và chị Trần Thị Kim Lĩnh (SN 1992), chủ cơ sở sản xuất - thương mại - dịch vụ Bảo Long chuyên sản xuất rượu, nước giải khát… từ trái thanh long (thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc) bị chậm hơn 15 phút vì chị phải tư vấn đột xuất cho một vị khách hàng mới. Ngồi nghe những thông tin, cách tư vấn và những chia sẻ tỉ mỉ về sản phẩm với khách hàng khó ai có thể tin được những kiến thức mà chị Lĩnh có được chính là từ sự mày mò của việc học tập và quá trình nghề dạy nghề.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận vào năm 2014, đúng thời điểm thanh long - cây trồng chủ lực của Bình Thuận bị rớt giá, người trồng điêu đứng, thương lái không thu mua, nhiều gia đình phải đổ bỏ. Lúc bấy giờ, ý tưởng sản xuất nước ép trái cây thanh long đã hình thành trong suy nghĩ của chị. “Việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái cây, cũng chính là một cách hay để “giải cứu” nông sản. Nghĩ là làm, mình đã tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi để cho ra đời những sản phẩm chế biến sau thu hoạch từ trái thanh long, như nước ép thanh long, si rô thanh long, mứt thanh long, rượu vang thanh long…”, chị Lĩnh nói.

hinh-2.jpg
Chị Lĩnh (tay cầm giấy) đang đi những bước vững chắc trên con đường khởi nghiệp của mình

Đến nay, cơ sở của chị Lĩnh đã có những thành công bước đầu với 29 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc và đã có mặt trên các trang và sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo… Bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất, cung ứng trên 36.000 lít nước ép, si rô, rượu đế, rượu vang thanh long các loại. “Riêng sản phẩm chủ lực nước ép thanh long đã được UBND tỉnh trao Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020, Chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao năm 2021; đạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021 và vừa được Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội trao thưởng giải “Thương hiệu Việt được tin dùng năm 2022””, chị Lĩnh cho biết.

hinh-4-tn.jpg

Còn ở huyện miền núi Tánh Linh, chàng thanh niên trẻ Hồ Hữu Nghị đã thành công với ý tưởng khởi nghiệp mới lạ, độc đáo là sản xuất món thỏ sấy gác bếp. Tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin và có công việc ổn định thế nhưng Hữu Nghị lại rời bỏ “vùng an toàn” để dấn thân lập nghiệp ngay chính quê hương của mình. Chia sẻ về ý tưởng của mình, anh Nghị cho biết, cuối năm 2018 giá thỏ giảm mạnh, để ổn định đầu ra nên anh đã có ý tưởng món khô thỏ, hiện giờ là món thỏ sấy gác bếp. “Thời gian đầu thực hiện thỏ sấy gác bếp gặp nhiều khó khăn như hư, mốc sản phẩm vì chưa có kinh nghiệm. Sau nhiều lần thử nghiệm, món thỏ sấy gác bếp đã có thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng biết đến”, anh Nghị chia sẻ thêm.

Còn rất nhiều mô hình khởi nghiệp thành công của thanh niên trên địa bàn tỉnh như mô hình chế biến sản phẩm từ ốc bươu đen của thanh niên Nguyễn Hữu Nhơn (huyện Đức Linh), mô hình trồng nấm linh chi, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng của chàng trai trẻ Trần Minh Kiển (huyện Hàm Tân)… Tuy nhiên, không phải thanh niên nào cũng thuận lợi dễ dàng trên bước đường khởi nghiệp. Theo đó, hiện nay nhu cầu vốn để khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên là rất lớn, đặc biệt với các dự án muốn đầu tư bài bản. Trong khi đó, chính sách về vốn hiện nay vẫn chưa dễ tiếp cận, nhất là nguồn vốn ưu đãi còn ít và thủ tục đôi khi chưa thực sự phù hợp. “Thời điểm bắt đầu là thời điểm khó khăn nhất. Nếu được hỗ trợ, mình mong muốn tổ chức Đoàn sẽ đồng hành cùng thanh niên nhiều hơn nữa, chẳng hạn như nguồn vốn sẽ được tăng thêm và tổ chức thêm nhiều khóa tập huấn học bổ sung kinh nghiệm thực tế để thanh niên được tiếp cận nhanh nhất, có kiến thức nhiều hơn để khởi nghiệp thuận lợi, dễ dàng”, chị Lĩnh chia sẻ thêm.

hinh-doan-1.jpg

Đồng hành cùng thanh niên

Tính đến tháng 8/2022, số người trong độ tuổi thanh niên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 290.194 người, chiếm tỷ lệ 23,58% tổng số dân trong toàn tỉnh. Đây là nguồn lực lớn tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Theo Tỉnh đoàn Bình Thuận, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đang lan tỏa, phát triển mạnh mẽ. Với sự chỉ đạo của Trung ương, địa phương, các cấp, các ngành đặc biệt là các cấp bộ Đoàn, Hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh, ngoài tỉnh, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cùng phối hợp với Tỉnh đoàn và các địa phương tổ chức tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hội thảo thanh niên học nghề, lập nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, qua đó tuyên truyền giới thiệu cho thanh niên các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm. Về hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế, thông qua các chương trình liên tịch giữa tổ chức Đoàn Thanh niên với các ngân hàng, tính đến tháng 8/2022 các tổ tiết kiệm vay vốn giúp nhau sản xuất, phát triển kinh tế do Đoàn Thanh niên đang quản lý là 588,265 tỷ đồng (nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội là 581,328 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 69,37 tỷ đồng); nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên được duy trì tại tỉnh với tổng số vốn là 700 triệu đồng/4 dự án. Từ các nguồn vốn vay, thanh niên đã chủ động trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, anh Thái Thành Bí – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn – Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết.

hinh-3-tn.jpg

Cũng theo anh Bi, mặc dù các cấp bộ Đoàn đã rất nỗ lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp song vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho Đoàn Thanh niên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho thanh niên đầu tư phát triển kinh tế. Chính vì vậy cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ. Trong đó, giải pháp hỗ trợ tài chính thông qua kênh tín dụng ưu đãi đóng vai trò rất quan trọng.

“Đã có rất nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công. Qua đó, các bạn trẻ không chỉ tự lập thân lập nghiệp được cho bản thân, mà còn giúp giải quyết việc làm cho số lượng lớn thanh niên ở tại địa phương. Chính vì vậy, các cấp bộ Đoàn tích cực hơn nữa để hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy thanh niên lập thân, lập nghiệp”, anh Bi cho hay.

Có thể xuất phát điểm của mỗi bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp không giống nhau. Có người dám rẽ ngang vì thử thách bản thân, vì những ý tưởng bộc phát, hay chính là vì muốn thay đổi cuộc sống với mức thu nhập ổn định hơn. Tuy nhiên, để đi đến thành công ngoài tinh thần nhiệt huyết, đam mê, trách nhiệm thì rất cần sự “tiếp lửa” của tổ chức Đoàn.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài
Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Tiếp lửa” khởi nghiệp trong thanh niên