Theo dõi trên

"Tiếp sức" cho nhà nông vươn lên

13/09/2024, 05:10

Thông qua chương trình “Tiếp sức nhà nông” nhiều hộ gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã Hồng Sơn, Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc đã được hỗ trợ để vươn lên. Từ đây, nhiều hộ nông dân có cơ hội thoát nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cùng với hỗ trợ vốn vay không lãi suất, chương trình “Tiếp sức nhà nông” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam cùng Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Bình Thuận thực hiện còn trao nhiều giải pháp bền vững thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn miễn phí về kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo và đủ điều kiện chăm lo cho con em đến trường.

img_5628.jpeg
Chương trình "Tiếp sức nhà nông" đã trao vốn hỗ trợ cho các hộ nông dân 2 xã Hồng Sơn và Hàm Đức.

Chị Trần Thị Minh Hiền (SN 1984) ở thôn 3, xã Hồng Sơn là một trong những hộ dân nhận được sự “tiếp sức” từ chương trình. Hiện gia đình chị Hiền thuộc hộ khó khăn. Nhà có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con còn đi học, thu nhập của gia đình chủ yếu nhờ vào việc làm thuê nên kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn, không ổn định, thu nhập bình quân của gia đình khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chị Hiền chia sẻ: “Với thu nhập ít ỏi của gia đình nên việc học của 2 con cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện gia đình cũng đang chăn nuôi gà, nên khi được cho vay 20 triệu đồng không lãi suất trong thời gian 2 năm, gia đình tôi sẽ dành một phần mua vật liệu xây dựng, sửa sang lại trại nuôi gà; phần còn lại đầu tư vào con giống, thức ăn, mở rộng chăn nuôi gà để có tiền lo cho con ăn học”.

Tương tự, gia đình anh Huỳnh Văn Oanh (SN 1985) ở thôn 2, xã Hàm Đức cũng được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò, phát triển kinh tế. “Khi biết tin mình sẽ được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng không lãi suất trong vòng 2 năm, vợ chồng tôi rất vui mừng. Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, thu nhập của gia đình chủ yếu nhờ bản thân và vợ làm thuê, làm mướn mỗi tháng được 4 triệu đồng. Đứa con trai lớn của tôi đang học sửa xe tại địa phương chưa có thu nhập, còn 3 cháu còn lại đang trong độ tuổi đến trường nên cuộc sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại gia đình tôi đang chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ những kiến thức được tập huấn, tôi cảm thấy việc chăn nuôi không còn khó khăn như trước. Với số tiền được cho vay này sẽ giúp tôi xây sửa chuồng trại và phát triển thêm chăn nuôi bò, tạo điều kiện để giúp vợ chồng tôi tăng thêm thu nhập dần thoát ra khỏi nghèo khó”, anh Oanh cho biết.

img_5631.jpeg
Trao quà cho các em học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt và là con em các hộ nông dân được hỗ trợ tại chương trình "Tiếp sức nhà nông".

Gia đình chị Hiền, anh Oanh là 2 trong số 40 hộ nông dân tại 2 xã Hồng Sơn và Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc được chương trình “Tiếp sức nhà nông” hỗ trợ vay vốn không lãi suất trong năm 2024. Tổng kinh phí được trao là 920 triệu đồng, trong đó 800 triệu đồng tiền mặt và 120 triệu đồng chi phí hỗ trợ thức ăn chăn nuôi. Đây đều là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng quyết tâm vươn lên tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, chương trình đợt này còn tuyên dương, trao phần thưởng cho 40 em học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt và là con em các hộ nông dân được hỗ trợ trong chương trình với tổng giá trị hơn 40 triệu đồng.

Khởi động từ năm 2010, chương trình “Tiếp sức nhà nông” không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình nông dân Việt, mà còn tạo ra tác động xã hội lớn. Đã giúp cải thiện sinh kế cho 2.620 hộ nông dân tại 24 tỉnh, thành trên khắp cả nước (trong đó có những tỉnh đã được tái cấp vốn lần thứ 4). Tỷ lệ phụ nữ tham gia chương trình chiếm 95%. Đa số các hộ được trợ vốn đã và đang làm ăn có hiệu quả với tỷ lệ hoàn vốn đạt trên 94%.

Theo ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đây là lần thứ 5 chương trình “Tiếp sức nhà nông” được tổ chức tại Bình Thuận với mong muốn chia sẻ phần nào những khó khăn, vất vả của bà con nông dân địa phương. Không chỉ hỗ trợ tài chính thiết thực, chương trình còn chú trọng đến việc giúp bà con tiếp cận mô hình chăn nuôi hiệu quả thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn miễn phí về kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Qua đó, góp phần tiếp sức cho người nông dân vượt khó, thoát nghèo, đặc biệt là các chị em phụ nữ nông thôn, vươn lên tự chủ kinh kế, chăm lo con cái học hành, nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đưa hàng Việt về huyện đảo Phú Quý
BTO-Tối ngày 10/9, Phiên chợ hàng Việt về hải đảo tại huyện Phú Quý năm 2024 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao trên địa bàn huyện đảo.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Tiếp sức" cho nhà nông vươn lên