Cùng với đó là những biến động khó lường của tình hình thế giới và khu vực. Những yếu tố đó trở nên những thách thức không nhỏ đối với công tác điều hành, quản lý của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Song với sự nỗ lực, quyết liệt vượt qua khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân đã mang lại những thành tựu rất đáng phấn khởi: giữ vững an ninh chính trị, kiểm soát tốt và đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch Covid-19, GDP cả nước trong 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so cùng kỳ năm trước. Những kết quả đó đã khơi dậy niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân, là đòn bẩy tạo động lực phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Tuy vậy, bên cạnh đánh giá những thành tựu quan trọng đã đạt được thì nhiều đại biểu đề cập đến tình trạng rất đáng lo trong đội ngũ cán bộ (bao gồm công chức, viên chức). Đó là “Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo, quản lý đang có tâm lý bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm. Có cán bộ còn cho rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” như ý kiến của ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã nêu tại kỳ họp Quốc hội lần này. Ý kiến các đại biểu khác cũng đề cập nhiều lãnh đạo sợ sai, làm việc cầm chừng, không có đột phá! Như vậy cán bộ sợ sai, không dám làm, hay im lặng là thiếu trách nhiệm.
Tình trạng nói trên nếu để kéo dài sẽ tạo ra sức ì, lực cản, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội không chỉ đã hiện hữu trước mắt như trong lĩnh vực y tế để xảy ra tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế, thiếu thuốc, gây không ít khó khăn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mà còn ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của những năm tiếp theo. Do đó cần tìm ra nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu khắc phục một cách sớm nhất để cho cỗ máy của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính quyền vận hành một cách thông suốt từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, và phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân.
Nguyên nhân của việc sợ sai, sợ trách nhiệm có thể do quy định của pháp luật còn những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể là năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai. Tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm, chỉ tìm cho mình giải pháp an toàn; thụ động trông chờ ý kiến cấp trên; một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh đã làm ảnh hưởng trì trệ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục tình trạng nêu trên nhằm giải phóng sức ì, tạo ra động lực mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và những năm tiếp theo thì cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương thật sự quan tâm và cần có những giải pháp giải quyết có hiệu quả tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có thể nói giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu là thực hiện chủ trương của Đảng đề ra trong văn kiện Đại hội XIII “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Và Kết luận 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trên cơ sở đó, Nhà nước cần hiện thực hóa thành chính sách, pháp luật, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách để khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá vì lợi ích chung. Các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên rà soát hệ thống văn bản pháp luật để kịp thời sửa đổi, những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bổ sung các quy định mới cho phù hợp với thực tiễn, cá thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo đủ tin cho cán bộ trong quá trình thực thi công vụ. Tuy vậy dù thể chế có rõ ràng, minh bạch và hoàn thiện đến đâu thì ý thức trách nhiệm, vì lợi ích chung trong mỗi cá nhân cán bộ vẫn là điều then chốt. Bởi hiện nay trong cùng hệ thống thể chế và môi trường làm việc như nhau, nhưng với một động cơ trong sáng, vì lợi ích của dân, của nước, không vì danh, lợi cá nhân ở những cán bộ, đảng viên đang giữ những trọng trách đã mang lại lợi ích cho dân giàu, nước mạnh. Ngược lại, cứ vẫn còn tình trạng như trong bài phát biểu của đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy đã nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận đầu năm 2022 là: “Cơ chế, chính sách đã rõ nhưng gặp phải cán bộ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm thì có những điều quy định pháp luật đã rõ, nhưng chúng ta không hiểu hoặc sợ trách nhiệm, cứ “ngâm” ở sở, ngành mình; không giải quyết thủ tục hồ sơ hoặc cứ hỏi Trung ương rồi chờ, Trung ương hướng dẫn sao thì làm vậy, làm cho công việc bị chậm trễ, doanh nghiệp, người dân chờ đợi. Điều đó, làm cản trở sự phát triển của tỉnh. Né tránh trách nhiệm; không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân là thể hiện suy thoái”.
Đã đến lúc phải thực hiện tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Thực tế cho thấy một khi làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc, với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm, việc có hại cho dân thì ra sức tránh” như Bác Hồ đã căn dặn thì không gì phải sợ.