Theo dõi trên

Tìm giải pháp để “giữ chân” du khách

18/10/2023, 06:20

Du lịch được ví như ngành công nghiệp không khói, đời sống của người dân ngày càng cao lên thì nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng lên và du lịch sẽ đóng góp ngày càng tăng vào quá trình tăng trưởng kinh tế nói chung.

Theo đó, đối với hoạt động du lịch của từng địa phương, vấn đề là làm thế nào để thu hút được nhiều du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách và làm thế nào để du khách quay trở lại là những vấn đề luôn đặt ra và không bao giờ cũ.

luot-van-dieu-o-mui-ne-anh-n.-lan-.jpg

Xây dựng hình ảnh và thương hiệu điểm đến của riêng mình

Từ những đánh giá của nhiều tạp chí nổi tiếng trên thế giới và thực tế trải nghiệm của các du khách đã từng tham gia du lịch trong nước đúc kết rằng, Bình Thuận được biết đến là địa phương đang phát triển rất mạnh về du lịch, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có hải sản tươi ngon và khí hậu tuyệt vời. Trong bối cảnh hiện nay, mức độ đóng góp vào GDP và nguồn thu đến từ hoạt động du lịch là không nhỏ bởi lẽ địa phương đã khai thác, thực hiện và cung cấp khá tốt các hoạt động dịch vụ du lịch do nắm bắt được lợi thế sẵn có của mình. Một con số đáng mừng đó là, trong 9 tháng đầu năm 2023, du lịch Bình Thuận đón gần 7 triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, tăng gần 76% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế có trên 200.000 lượt, tăng 3,95 lần so cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu hoạt động du lịch tăng gần 2 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh yếu tố thuận lợi về thời tiết, hạ tầng giao thông, chất lượng sản phẩm, các hoạt động vui chơi, giải trí tiếp tục được đầu tư đa dạng, phong phú sản phẩm cũng tạo nên sức hút cho du lịch Bình Thuận.

Mừng là vậy nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo khi các địa điểm du lịch chưa tập trung vào việc chú trọng “giữ chân” du khách đã từng đến tham quan và sử dụng dịch vụ du lịch của địa bàn thông qua việc xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến của riêng mình. Nguồn cung dịch vụ đối với khách du lịch là tổ hợp từ nhiều dịch vụ có được từ địa phương, nhằm cung cấp đến cho khách du lịch những dịch vụ tối ưu nhất, để có thể làm được điều đó, địa phương hay địa điểm cung cấp dịch vụ phải xác định được rõ ràng những điểm mạnh, điểm yếu để từ đó hình thành các dịch vụ chính yếu và dịch vụ hỗ trợ…

du-khach-vui-choi-tam-bien-o-bai-bien-da-ong-dia-phan-thiet-anh-n.-lan-2-.jpg

Tìm ra nhiều giải pháp

Để tiếp tục tạo hình ảnh đẹp cho du lịch Bình Thuận nhằm “giữ chân” du khách đòi hỏi phải phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và bền vững. Đồng thời đầu tư nhiều hơn nữa cho những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và cải thiện chất lượng dịch vụ. Vậy phải tìm ra nhiều giải pháp để “giữ chân” du khách. Theo góp ý của nhiều chuyên gia du lịch và du khách khi đến Bình Thuận, muốn thu hút du khách, nhất là khách quốc tế, sản phẩm du lịch phải là sản phẩm "sống", không phải là sản phẩm được dựng lên hay mô phỏng, mà phải là sự phản ánh chân thật nét sinh hoạt cộng đồng và đặc trưng của địa phương. Chẳng hạn, khi đến tham quan các làng chài ven biển du khách phải thực tế được chứng kiến những sản phẩm hải sản tươi sống để họ vừa tham quan mà còn mua sắm, muốn như vậy thì phải có hàng hóa cụ thể. Phải có khu vực vui chơi giải trí, bởi lẽ khi khách tham quan, tắm biển, buổi tối phải có khu vui chơi giải trí cho du khách. Kinh tế ban đêm của Bình Thuận đang là một kỳ vọng… Theo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tỉnh thí điểm tổ chức các hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm, tham quan du lịch về đêm tại Tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiet) quy mô gần 1.000 ha tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết và Tổ hợp Du lịch nghỉ dưỡng Thanh Long Bay hơn 90 ha tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Sau khi thí điểm, các hoạt động kinh tế ban đêm cũng được phát triển tại thành phố Phan Thiết, ở khu vực dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến và trên trục đường Nguyễn Tất Thành - Lê Duẩn và hai bên bờ sông Cà Ty. Đến năm 2025, đề án đặt mục tiêu tổ chức thí điểm hoạt động phát triển kinh tế ban đêm tại 5 địa phương, gồm thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Trong giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục mở rộng các địa điểm, khu vực phù hợp để khai thác hoạt động kinh tế ban đêm…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội thảo khoa học phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch Bình Thuận
BTO-“Phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh Bình Thuận hướng tới phát triển bền vững” là chủ đề hội thảo khoa học do Trường Chính trị Bình Thuận tổ chức sáng 13/10. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và các cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp để “giữ chân” du khách