Phát biểu đề dẫn hội thảo, thạc sĩ Trần Thị Minh Hoài – Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên bình diện thế giới, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. Trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch ở địa phương muốn phát triển cần phải phát huy được tiềm năng và lợi thế của mình. Hội thảo “Phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh Bình Thuận hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức nhằm phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể trong việc trao đổi, đánh giá tiềm năng, thực trạng và đề xuất giải pháp, góp phần thúc đẩy du lịch Bình Thuận phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Qua đó để các giảng viên bổ sung vào bài giảng một cách phù hợp, giúp học viên có cái nhìn tổng quan, chính xác nhất của ngành du lịch tỉnh nhà.
Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận của 18 đơn vị, cán bộ, giảng viên, trong đó tập trung vào các vấn đề như Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” là cơ hội để du lịch Bình Thuận phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và công tác quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh; thuận lợi, khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch biển, đảo gắn với các môn thể thao biển; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng du lịch tại địa phương…
Ngoài ra, các đại biểu và cán bộ, giảng viên đã tham gia thảo luận đóng góp nhiều ý kiến cởi mở, thẳng thắn, khách quan về sự phát triển của du lịch Bình Thuận, làm cơ sở để tỉnh tiếp tục có những chủ trương định hướng, chỉ đạo và giải pháp thực hiện phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.