Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ông Dụng Văn Duy – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị… Thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định trong công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả hệ thống chính trị của tỉnh. Cùng với đó, nhà trường đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn. Thông qua việc triển khai nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học các cấp, cử giảng viên tham gia các hội đồng phản biện đề tài khoa học cấp tỉnh…
Điểm nổi bật trong năm 2019 - 2020, nhà trường đã kiện toàn bộ máy ngày càng tinh gọn, phát huy tốt năng lực sở trường, thế mạnh chuyên môn. Hiện trường có Ban Giám hiệu, 3 khoa và 2 phòng, với 24 giảng viên trong số 47 viên chức, người lao động. Tất cả giảng viên được đào tạo cơ bản, có 11 giảng viên chính và tương đương, 24 thạc sĩ. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần đắc lực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Cùng với đó, nhà trường chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin để xứng tầm là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Nổi rõ, Trường Chính trị tỉnh là một trong những đơn vị triển khai sớm nhất hoạt động giảng dạy trực tuyến trong thời điểm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả giảng viên và học viên các lớp được tập huấn và cung cấp tài khoản Office 365 để học trực tuyến thông qua phần mềm Microsoft Teams. Ngoài ra, trường đã tổ chức nghiên cứu thực tế cho giảng viên và học viên các lớp, tổ chức hội thi, thao giảng bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo tiến độ, phù hợp trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội (năm 2021). Nhờ chủ động và sớm áp dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến, việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý điều hành của nhà trường được diễn ra liên tục, không bị gián đoạn, đảm bảo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do Thường trực Tỉnh ủy giao hàng năm…
Xây dựng trường đạt chuẩn
Tuy nhiên, nhu cầu học tập lý luận chính trị còn rất lớn và tỉnh Bình Thuận xác định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm kỳ tiếp theo là công việc hết sức quan trọng. Theo đó, về lâu dài, nhà trường có đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo” trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề án mang tính quy mô, có tầm nhìn dài hạn, chắc chắn từng nội dung, gắn với định hướng xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1, chuẩn mức 2. Đây sẽ là bước đột phá để Trường Chính trị tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tham mưu tổng kết thực tiễn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức có đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo ông Duy, hướng đến xây dựng Trường Chính trị tỉnh để từng bước đạt chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2, trường sẽ xây dựng đội ngũ viên chức cho trường, bảo đảm cơ cấu 75% giảng viên theo quy chuẩn. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; chú trọng công tác xây dựng văn hóa Trường Đảng, nhất là xây dựng văn hóa ứng xử giữa giảng viên với học viên. Cùng với đó, quan tâm đầu tư đồng bộ để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại hóa phục vụ giảng dạy, học tập không chỉ trước mắt, mà còn phải đáp ứng yêu cầu lâu dài, phù hợp với đặc thù học viên Trường Chính trị tỉnh, thành phố theo quy chuẩn…
Với những cơ hội trên, nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, cộng với nguồn lực hiện có, tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, viên chức nhà trường, tin tưởng rằng Trường Chính trị tỉnh sẽ đạt được mục tiêu theo lộ trình.