Theo dõi trên

Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long phát triển bền vững

17/08/2023, 11:09

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận vừa có buổi làm việc với Cơ quan phía Nam – Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam về việc phối hợp tổ chức Diễn đàn “Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững”.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có lãnh đạo Hội Làm vườn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận…

img_4405.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đó, để tổ chức tốt diễn đàn tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, các đại biểu dự họp đã tập trung thảo luận các giải pháp tổng thể về phát triển thanh long Việt Nam; quan điểm, nhận thức từ người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thanh long; chiến lược, kế hoạch phát triển thanh long bền vững. Đồng thời nhấn mạnh lợi ích của người dân khi trồng thanh long, vai trò của cơ quan nhà nước; công tác tuyên truyền, xây dựng thương hiệu thanh long trong và ngoài nước…

z4610870100686_7018eafca9edf7963b75dc541703094c.jpg
Nông dân Hàm Thuận Bắc thu hoạch thanh long vụ mùa.

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đến nay toàn tỉnh có 26.429 ha thanh long, giảm 1.359 ha so với cuối năm 2022. Việc sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ sản xuất thanh long có quy mô dưới 2 ha chiếm 84,9%. Toàn tỉnh có khoảng 200 trang trại, hộ sản xuất thanh long với diện tích từ 10 – 20 ha. Tính đến nay, Bình Thuận có 36,7% diện tích được chứng nhận GAP và tương đương, trong đó diện tích được chứng nhận VietGAP là 9.037 ha, chiếm 34,2%; diện tích được chứng nhận GlobalGAP là 453 ha, chiếm 1,7% diện tích thanh long toàn tỉnh.

z4610871196721_b9e6d23ee4e365558172c125562810b6.jpg
Thanh long Bình Thuận.

Thanh long Bình Thuận đã có mặt ở hầu hết các thị trường trong nước, trong đó tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Trung. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam cũng cho biết, thanh long được xem là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên trong thời gian gần 3 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu, diện tích sản xuất, sản lượng của loại trái cây này đang có chiều hướng giảm sâu. Nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh Covid-19 và tác động của lạm phát. Bên cạnh đó, thời gian qua thanh long vẫn chưa có sự phát triển bền vững, giá cả không ổn định, phụ thuộc lớn vào một vài thị trường xuất khẩu. Mặt khác, người tiêu dùng trong nước ít quan tâm sử dụng loại trái cây này trong khi thanh long là loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam với diện tích sản xuất lớn.

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thanh long tiếp diễn điệp khúc… mất giá?
Mấy ngày qua, không khó để nhìn thấy tại các vùng trồng thanh long, hình ảnh nông dân thu hoạch trái rồi chất đống ngay tại gốc trụ, hay chở đi đổ bỏ ven đường. Theo tìm hiểu, đây là lượng thanh long chính vụ, khi thu hoạch bị nhiễm đốm nâu nên thương lái loại ra không mua vì không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ được bán với giá từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long phát triển bền vững