Theo dõi trên

Tìm về đất học

14/02/2025, 05:28

Tôi về quê hương có tên địa danh trong bản đồ quốc gia cách đây 554 năm (1471 – 2025), vùng đất mà người dân ở đây luôn tự hào về con người và địa lý, nên để câu ca dao ngọt ngào mà vô cùng tinh tế lửng lơ theo mãi với thời gian: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn đã lấy đất này đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, chia thành ba phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Ta có thể hiểu, Quảng là rộng, Nam là chỉ phương nam.

tuong-dai.jpg
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam là vùng đất luôn nảy sinh nhiều cái mới, mở đầu nhiều sự kiện được lịch sử ghi nhận. Tìm thấy ở đó là nơi sớm nhất hình thành chữ quốc ngữ: Trong hội thảo Vai trò lịch sử Dinh trấn Quảng Nam, phần phát biểu tổng kết, GS. Trần Quốc Vượng cho biết: “Về văn hóa mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Hội thảo chúng ta khẳng định dinh trấn Quảng Nam - Thanh Chiêm là một trong những cái nôi - rất có thể Hội An Thanh Chiêm là cái nôi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ, là sự La tinh hóa tiếng Việt”. Tiếp đến, xứ Quảng là nơi đầu tiên nổ ra cuộc chiến tranh Việt – Pháp, ngày 1/9/1858, cái ngày mở đầu cho một trang sử cận đại không thể nào quên, ngày liên quân Pháp - Tây Ban Nha mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta tại cửa biển Đà Nẵng.

Đất Quảng là nơi đầu tiên người Mỹ đến (năm 1819). Người thực hiện chuyến đi này là thương gia John White đã đến Việt Nam, nơi mà sau này họ đánh giá “Vịnh Đà Nẵng là một hải cảng thiên nhiên đẹp nhất hoàn cầu, tàu bè đậu không sợ gió lớn”… Cũng là nơi đầu tiên chôn cất một người Mỹ, nhân sự kiện vào năm 1845, chiến hạm Constitution của Hải quân Hoa Kỳ do hạm trưởng John Percival chỉ huy đã thực hiện chuyến hải hành vòng quanh thế giới. Trên đường đi, họ đã dừng tại cảng Đà Nẵng xin cung cấp nước ngọt, thực phẩm và cũng để xin chôn cất một thủy thủ của họ vừa qua đời. Đó William Cook, một thanh niên làm nhiệm vụ chơi nhạc trong ban nhạc của chiến hạm. Đến năm 1965, lính viễn chinh Mỹ đổ quân xâm lược Việt Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ngày 8/2/1965, Mỹ đưa tiểu đoàn tên lửa Hawk vào Đà Nẵng. Một tháng sau, sáng ngày 8/3/1965, nơi đây chứng kiến tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 Mỹ đã đổ bộ lên huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Buổi chiều cùng ngày, tiểu đoàn thứ hai của lữ đoàn này được không vận từ căn cứ quân sự Okinawa (Nhật Bản) cũng đến sân bay Đà Nẵng. Rồi trung tuần tháng 4/1965, ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một tiểu đoàn tên lửa Hawk, ba chi đoàn cơ giới, hai phi đội máy bay phản lực và trực thăng, hai đội pháo 155 ly và 203 ly thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ lại tiếp tục đổ bộ vào Đà Nẵng. Từ đó, nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng gánh lấy trách nhiệm nặng nề cùng cả nước bắt đầu trực diện kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Những năm cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, Quảng Nam là nơi đầu tiên mở ra công cuộc Duy Tân, xuất hiện những chí sĩ, những anh tài cụ thể như cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… đã dốc lòng theo đuổi Tân thư để vận dụng vào thực tiễn “gióng trống Duy tân, giương cờ Thực nghiệp” gây ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước. Nơi tiên phong trong phong trào đàn ông hớt tóc ngắn và mặc Âu phục. Nơi đầu tiên giương cao ngọn cờ đấu tranh đòi quyền sống thể hiện qua cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng năm 1908, điểm xuất phát từ huyện Đại Lộc.

Trong suốt 30 năm (1945-1975) kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng đã đổ bao mồ hôi, xương máu, nước mắt, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Đó là địa phương có đến 8.663 bà mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó Quảng Nam có 7.231 người; Đà Nẵng có 1.432 người), chiếm 1/6 số Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước.(*)

Quảng Nam cũng là mảnh đất nổi tiếng hiếu học. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, khoa thi năm Mậu Tuất (1898) dưới thời vua Thành Thái, được mọi người gọi là “Khoa Ngũ Phụng Quảng Nam”. Bởi khoa thi này trong một tỉnh có đến năm người cùng đậu cao. Đó là ba Tiến sĩ: Phạm Liệu (1872-1936), người xã Trừng Giang, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bản; Phan Quang (1873-1939) người xã Phước Sơn Thượng, tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình; Phạm Tuấn, người thôn Xuân Đài, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; và hai Phó bảng: Ngô Chuân (tức Ngô Truân hay Ngô Lý), người xã Cẩm Sa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; Dương Hiển Tiến, người xã Cẩm Lậu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Điều này thể hiện rõ nét tinh thần hiếu học. Lại nói thêm về Ngũ phụng. Bấy giờ, hay tin các sĩ tử thi đỗ, Hiệp tá đại học sĩ Đào Tấn làm Tổng đốc Nam - Ngãi, Tiến sĩ Trần Đình Phong làm Đốc học Quảng Nam, cả hai ông đều vui mừng, và nhất trí ban cho năm vị tân khoa là “Ngũ Phụng tề phi”. Và tổ chức đón tiếp trọng thể như một ngày hội lớn trong tỉnh. Các vị tân khoa cưỡi ngựa đi theo sau tấm trướng ghi bốn chữ “Ân tứ vinh quy” do nhà vua ban. Từ đèo Hải Vân về đến Vĩnh Điện, bên vệ đường của mỗi làng đều có bày hương án. Khi ngang qua những nơi ấy, năm vị tân khoa được các chức sắc cao nhất trong làng, khăn áo chỉnh tề trân trọng mời vào thắp nén nhang, uống chén rượu hoặc ăn miếng trầu lấy thảo rồi lên ngựa đi tiếp. Dẫu vậy, cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn lấy làm tiếc khi “Ngũ phụng tề phi” đã không để lại một công nghiệp gì đáng kể cho đời. Về sau, ông Nguyễn Văn Xuân cũng đồng ý và cho rằng nói đến Quảng Nam cần tự hào với “Lục phụng bất tề phi”. Đó là ba Tiến sĩ: Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, hai Phó bảng: Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu và một Hoàng giáp: Phạm Như Xương. Nghiên cứu sự nghiệp của danh nhân đất Quảng Nam, ta thấy ý kiến trên là thỏa đáng. Ngoài “Ngũ phụng tề phi”, nhắc đến tinh thần hiếu học Quảng Nam, ta không thể quên được những danh xưng như “Tứ hùng”: Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp; “Tứ kiệt”: Nguyễn Đình Hiến, Võ Vỹ,       Nguyễn Mậu Hoàn, Phan Châu Trinh; “Tứ hổ”: Phạm Như Xương, Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Trần Quý Cáp. Và một danh nhân nữa mà người dân xứ Quảng kính trọng là chí sĩ Trần Cao Vân. Quảng Nam còn nhiều anh hào có những đóng góp quý giá cho quê hương, Tổ quốc không kể hết được.

Ở lĩnh vực văn chương, người đọc xem cụ Phan Khôi người làng Bảo An, huyện Điện Bàn, khi ông đăng bài Tình già trên báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1932, được xem như phát pháo đầu khởi xướng phong trào thơ mới. Về sau, đất Quảng xuất hiện rất nhiều tác giả có khối lượng tác phẩm góp mặt trên văn đàn nước nhà mà nhiều độc giả khó quên, như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Chí Trung, Khương Hữu Dụng, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Võ Quảng, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nhật Ánh… Đặc biệt không thể không nhắc đến tác giả đứng riêng một cõi tạo dấu ấn kỳ lạ trong lòng độc giả mà có người cho rằng ông là thi sĩ tinh quái, thi sĩ tình si xuất hiện trong dòng văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, đó là nhà thơ Bùi Giáng.

Tìm về đất học, còn nhiều vấn đề không thể nói hết như anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Trần Thị Lý... Điều thấy rõ nhất người dân nơi đây tự hào về một vùng đất và con người làm nên nét đẹp cho quê hương của họ là có cơ sở chính đáng. Một vùng quê với những tâm hồn rất chi là nhạy cảm, tinh tế và bay bổng nét đẹp nên thơ như hình ảnh trong câu ca dao “chưa mưa đã thấm, chưa ngấm đã say”.                                    

(*): https://danang.gov.vn/web/gues... gioi-thieu/chi-tiet?

Nguồn tham khảo và trích dẫn: Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, NXB Trẻ, 2012; Vũ Đức Sao Biển, Quảng Nam hay cãi, NXB Trẻ, 2010.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của di tích
Nghĩa Trủng Từ (miếu Nghĩa Trủng) tọa lạc tại thôn Bình Long, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình là thiết chế tín ngưỡng dân gian được tạo lập vào đầu thế kỷ XIX. Nơi đây tôn thờ Thành hoàng bổn cảnh, các bậc tiền hiền, hậu hiền, cô bác, hương chức… Nghĩa Trủng Từ được UBND tỉnh trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2018.
Nổi bật
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh tiễn thanh niên Phan Thiết lên đường nhập ngũ
BTO-Sáng nay (13/2), TP. Phan Thiết đã tổ chức lễ giao nhận quân năm 2025. Dự lễ có đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đến dự còn có Đại tá Trần Hữu Nhân - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh; ông Nguyễn Văn Trí – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm về đất học