Đại diện các cơ sở bảo trợ xã hội chia sẻ về nghề CTXH. |
Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tại tỉnh ta, 8 năm qua nghề CTXH đã có bước đi hướng tới chuyên nghiệp. Điều này thể hiện qua việc triển khai Đề án phát triển nghề CTXH (giai đoạn 2010-2020) đạt kết quả khá tốt. Nhất là trong lĩnh vực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở trợ giúp xã hội, với tổng số 246 cán bộ, nhân viên. Mạng lưới công chức, viên chức, cộng tác viên công tác xã hội có 1.298 người, trong đó có 46 cộng tác viên chuyên trách làm công tác xã hội tại 46 xã, phường, thị trấn; 804 cộng tác viên trẻ em ở các thôn, bản, khu phố; 306 thành viên đội công tác xã hội tình nguyện và 142 cán bộ, công chức làm công tác xã hội ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe những chia sẻ của đại diện Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận; Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; Cơ sở điều trị nghiện ma túy; Trung tâm khuyết tật Hừng Đông; Cơ sở khuyết tật tổ ấm Huynh đệ về nghề CTXH. Đặc biệt, Sơ Dung đến từ cơ sở khuyết tật tổ ấm Huynh đệ đã chia sẻ quá trình chăm sóc cho trẻ em có hội chứng Down, tự kỉ, chậm phát triển tâm thần.
T.H