Phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tiền giả
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã thụ lý điều tra, khởi tố 4 vụ án với 11 bị can về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Cơ quan công an đã thu giữ 276.700.000 đồng tiền giả. Gần đây nhất, vào ngày 1/3, tại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, lực lượng công an đã bắt quả tang đối tượng Trương Ngọc Minh đang tàng trữ 71 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh còn phối hợp cùng Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ 1 đối tượng nghi sản xuất tiền giả trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
Tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, trật tự xã hội và đời sống nhân dân; xâm phạm an ninh tiền tệ. Qua các vụ án liên quan tiền giả trong thời gian qua, có thể thấy loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, không ít đối tượng bán tiền giả công khai qua các trang mạng xã hội. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường là người lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Thông qua mạng internet, các đối tượng đã đặt mua các loại tiền giả mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng rồi mang đi tiêu thụ. Thủ đoạn phổ biến các đối tượng thường sử dụng là dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa giá trị nhỏ như nước giải khát, thuốc lá, vé số… để được thối lại bằng tiền thật hoặc để tiền giả xen lẫn với tiền thật khi mua hàng nhằm tránh bị phát hiện. Các đối tượng thường lợi dụng những lúc ánh sáng yếu như: Lúc chập choạng tối, tờ mờ sáng, nơi không đủ ánh sáng để thực hiện hành vi nên người dân khó quan sát, kiểm tra tiền. Các đối tượng cũng lợi dụng những lúc cửa hàng đông khách người ra vào liên tục để trà trộn vào và thực hiện hành vi lưu hành tiền giả.
Nâng cao ý thức phòng chống tội phạm
Để phát hiện ra tiền giả, người dân cần tìm hiểu một số cách để phân biệt tiền thật, tiền giả. Tiền giả dù tinh vi đến đâu cũng chỉ giống về hình thức khi nhìn thoáng qua, không tinh xảo, không đủ các chế độ bảo an như tiền thật nên dễ nhận biết nếu kiểm tra kỹ. Có nhiều cách để phân biệt tiền thật, tiền giả và một trong những cách thủ công đơn giản nhất là dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra. Đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền nhanh chóng đàn hồi, trở lại trạng thái ban đầu; đối với tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì bị nhàu nhũ, không có sự đàn hồi. Ngoài ra, người dân có thể dùng tay kiểm tra các chi tiết in nổi trên tờ tiền như Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, số mệnh giá. Ở tiền thật thì khi vuốt lên có cảm giác nhám, ráp; còn đối với tiền giả thì khi vuốt lên có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật. Đây là 2 trong số những cách đơn giản mà người dân có thể phân biệt tiền giả và tiền thật.
Để công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tiền giả đạt hiệu quả, cần phải có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương. Từng cá nhân, tổ chức cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyên truyền phổ biến về nhận diện, cảnh giác với tiền giả trong nhân dân.
Đối với người dân, khi thấy người mua hàng hoặc người tiếp xúc có các dấu hiệu khả nghi như dùng tiền mệnh giá lớn để mua hàng hóa giá trị rất nhỏ hoặc các hành vi, thái độ không bình thường khi giao dịch mua bán… nhất là trong các bối cảnh về không gian, thời gian mà bọn tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả như đã nêu ở trên thì cần cảnh giác kiểm tra cẩn thận tiền do những khách mua hàng trả. Kịp thời báo ngay cho cơ quan công an gần nhất về các đối tượng, vụ việc nghi vấn có liên quan đến tội phạm tiền giả để phối hợp điều tra, xử lý theo quy định pháp luật…