Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh ghi nhận nỗ lực của ban tổ chức cuộc thi đã vận động sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp, chuyên gia có kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các tác giả/nhóm tác giả nâng cao kỹ năng thuyết trình, định hướng xây dựng mô hình kinh doanh, hoàn thiện dự án tham gia cuộc thi. Đồng thời Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần sáng tạo của các tác giả đến với cuộc thi. Ý tưởng, dự án khởi nghiệp mỗi người mỗi vẻ nhưng có nét chung biết cách khai thác tài nguyên bản địa, chế biến trái cây lợi thế, thực vật hữu ích đem lại giá trị cao hơn, phục vụ đời sống xã hội, tạo việc làm cho một bộ phận lao động trẻ địa phương.
Các ý tưởng về mô hình, giải pháp trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II có thể xem là những câu chuyện lý thú để các tác giả giới thiệu với khách hàng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Để cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận ngày càng lan tỏa sâu rộng, Sở Khoa học & Công nghệ cần tiếp tục có những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả tạo chuyển biến mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh nhà.
Tại buổi lễ, ban tổ chức cuộc thi đã công bố, trao giải thưởng cho 11 giải pháp của tác giả, nhóm tác giả. Cụ thể, giải pháp: Mỹ phẩm từ vỏ thanh long của Đoàn Thị Kiều Vân thuộc Công ty TNHH Mỹ phẩm VTCOS, số 56/63 Lương Văn Năm, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, đoạt giải nhất, tiền thưởng 30 triệu đồng. Giải nhất nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Hai giải pháp: Chuỗi sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn trong chế biến thanh long xanh Bình Thuận hướng đến phát triển bền vững, của Lê Thị Nguyên Hà thuộc Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (xã Hải Ninh, Bắc Bình); Hệ sinh thái nông nghiệp sạch, chăn nuôi con đặc sản, kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm của Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Chí Thông thuộc Công ty TNHH SX – TM - DV Ba Tường xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, đoạt giải nhì, mỗi giải nhận thưởng 24 triệu đồng.
Cùng đó, 3 giải pháp: Sản phẩm yến kết hợp trà hoa vàng sau chưng cất và sấy thăng hoa của nhóm tác giả Lê Thị Lý, Nguyễn Thanh Tuyên, Nguyễn Lê Minh Thư thuộc Hộ kinh doanh yến sào cao cấp Thiên Phú xã Đa Kai, Đức Linh; Ứng dụng công nghệ sinh học để thủy phân phế phẩm cá biển thành dưỡng chất hữu cơ quý giá cho cây trồng của thạc sĩ Hồ Trinh thuộc Công ty TNHH Công nghệ Việt Nhật BIO, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết; Hệ sinh thái chuỗi sản phẩm thực phẩm giá trị “Kem, bánh phồng tôm, mứt” từ trái thanh long Bình Thuận, của Nguyễn Hoàng Thư Hương, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, đồng giải ba, tiền thưởng 18 triệu đồng/giải.
5 giải khuyến khích dành cho các giải pháp: Sản xuất giống gốc nấm đông trùng hạ thảo và đa dạng hóa các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo của Nguyễn Minh Đông, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; Bến thanh long- mô hình kinh doanh thích ứng biến đổi khí hậu của Trần Thị Kim Lĩnh, Nguyễn Ngọc Bảo ở thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc; Đầu tưới phun mưa lệch tâm của Nguyễn Văn Hai, phường Xuân An, Phan Thiết; Sản xuất ống hút gạo, bún phở nhằm bảo vệ môi trường, nâng tầm giá trị hạt gạo Việt của Trương Thị Hồng Hà (Phú Lạc, Tuy Phong); Màng bọc ăn được và thay đổi màu sắc theo tình trạng thực phẩm được chiếc xuất từ vỏ chanh dây, thanh long của nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP. HCM. Ngoài ra, ban tổ chức còn công nhận 7 giải tiềm năng Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần này.