Ngày 15/10, ngay từ sáng sớm đông đảo cử tri Mozambique đã tham gia vào cuộc tổng tuyển cử đa đảng lần thứ 6 (kể từ khi đất nước này thông qua Hiến pháp mới 1990) để bầu Tổng thống, 250 nghị sỹ Quốc hội ở Trung ương, các Thống đốc và Hội đồng nghị viện tại các địa phương.
Cử tri Mozambique vui vẻ đi bầu (ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique cung cấp). |
Với Hiệp định Hòa bình Hòa giải Maputo được ký (ngày 6/8/2019 vừa qua) giữa Đảng cầm quyền Mặt trận Giải phóng Mozambique (Frelimo) và Đảng Kháng chiến Quốc gia Mozambique (Renamo), cử tri Mozambique đang rất kỳ vọng cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ mở ra một giai đoạn mới để đất nước họ có nền hòa bình phát triển lâu bền.
Theo thông báo sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (CNE), từ sáng sớm 15/10, hầu hết trong tổng số 20.600 đơn vị bỏ phiếu ở khắp nơi trong cả nước đã được mở cửa, sẵn sàng phục vụ cử tri. Nhiều địa phương dự kiến cuộc bầu cử lần này sẽ thu hút đông đảo tỷ lệ cử tri đi bầu trong tổng số 12,9 triệu cử tri cả nước đã tham gia đăng ký.
Sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu này đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều tổ chức giám sát bầu cử trong và ngoài khu vực trong đó có: Ủy ban giám sát bầu cử của Liên minh châu Phi (AUEOM), Ủy ban Giám sát bầu cử của tổ chức Phát triển Nam phần Châu Phi (SEOM), các Ủy ban giám sát bầu cử của EU, Liên Hợp Quốc, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ NGO. Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Lê Huy Hoàng nhận lời mời của chính quyền sở tại cùng các vị đại sứ đại diện của Đoàn Ngoại giao đã tham gia chứng kiến, giám sát cuộc bầu cử.
Dự kiến, các đơn vị bầu cử kết thúc hoạt động bỏ phiếu vào 18h ngày 15/10 (giờ địa phương) và ngay sau đó sẽ tiến hành hoạt động kiểm phiếu. Theo luật pháp sở tại, Ủy ban Bầu cử Quốc gia (CNE) sẽ công bố kết quả sơ bộ vào ngày 16/10 và công bố kết quả chính thức trong vòng 15 ngày tới.
Mặc dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng Đảng cầm quyền Frelimo tiếp tục chiến thắng, Tổng thống Filipe Nyusi sẽ được tái bầu nhiệm kỳ 2 tuy nhiên cuộc cạnh tranh 250 ghế tại Quốc hội cũng như 10 vị trí Thống đốc và Hội đồng nghị viện ở các tỉnh giữa 3 đảng lớn hiện nay sẽ rất sít sao. Đảng cầm quyền Frelimo mặc dù nỗ lực vận động trong nhiều ngày qua nhưng có thể gặp nhiều khó khăn tại một số tỉnh ở miền trung và phía bắc có số dân đông như Sofala, Zambezia, Nampula - lâu nay thường được coi là “lãnh địa” của Đảng đối lập.
Đại sứ Việt Nam Lê Huy Hoàng tham gia giám sát bầu cử Mozambique (ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique cung cấp). |
Tổng tuyển cử Mozambique diễn ra sau đợt tranh cử căng thẳng 43 ngày vừa qua với sự tham gia của 26 đảng phái chính trị và 4 ứng cử viên tổng thống gồm: đương kim Tổng thống Filipe Nyusi (đồng thời là Chủ tịch Đảng cầm quyền Mặt trận Giải phóng Mozambique Frelimo), ông Ossufo Momade (thủ lĩnh đảng Kháng chiến Quốc gia Mozambique Renamo), ông Daviz Simango (thủ lĩnh Đảng Phong trào Dân chủ Mozambique MDM), và ông Mário Albino (thủ lĩnh Phong trào Hành động Thống nhất Cứu nước AMUSI).
Quá trình tranh cử lần này, tuy không phức tạp như những lần trước nhưng cũng đã làm cho 271 người bị thương, và một số người bị thiệt mạng. Đáng chú ý là vụ sát hại nhà quan sát bầu cử Anastácio Matavel ở Gaza ngày 7/10 và vụ xô đẩy sau buổi diễn thuyết tại một sân vận động ở Nampula, một tỉnh phía bắc đất nước, vào ngày 11/9 làm 10 người chết.
Mozambique là một trong những nước có diện tích khá rộng (trên 800.000 km2), nhiều tài nguyên, dân số trên 32 triệu người, ngày càng có vai trò tại vùng Nam châu Phi. Ngay sau khi giành độc lập từ Bồ Đào Nha vào năm 1975, Mozambique lâm vào cảnh nội chiến kéo dài với trên 1 triệu người bị chết. Do có nhiều tiềm năng để phát triển, Mozambique thời gian gần đây đã thu hút khá nhiều sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp lớn nước ngoài.
Với Hiệp định Hòa bình Hòa giải Maputo ký giữa Frelimo và Renamo ngày 6/8/2019, và việc các dự án dầu khí phía bắc (trị giá trên 25 tỷ USD) sẽ đi vào hoạt động trong một vài năm tới, người dân Mozambique đang rất kỳ vọng cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ mở ra một giai đoạn mới để đất nước họ có nền hòa bình phát triển lâu bền.
Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique