Cụ thể, địa phương đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố, Ban Quản lý Khu du lịch Đồi Dương – Tiến Thành, Ban Quản lý Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, UBND các phường, xã và các chủ đầu tư dự án đang triển khai thi công trên địa bàn thành phố chủ động rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở có các công trình xây dựng trên địa bàn theo phân cấp và các công trình do mình làm chủ đầu tư. Lưu ý mức độ đảm bảo an toàn đối với việc sử dụng giàn giáo, cần cẩu, an toàn chống sạt lở trong biện pháp thi công phần ngầm… Kiểm tra công trình nhà tạm, nhà bán kiên cố, nhà gạch khung bê tông cốt thép có nguy cơ phát sinh sự cố sập đổ mái, tốc mái và đổ tường, rạn nứt, hư hỏng… Trong đó đặc biệt lưu ý các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực. Yêu cầu các chủ đầu tư dự án đang triển khai thi công (đặc biệt là các dự án xây dựng tại khu vực ven biển, có nguy cơ sạt lở) chủ động kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm cụ thể. Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện thi công, nhà ở, doanh trại, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi.
Đối với các công trình trọng yếu, công trình cao tầng, cần triển khai biện pháp thoát nước tổng thể, xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khi mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình. Phòng Quản lý đô thị có kế hoạch kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn nhất là các công trình tại khu vực ven biển, có nguy cơ sạt lở cao.
Được biết trước đó vào ngày 6/4, Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị các địa phương trong tỉnh triển khai đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2022. Trong đó, tuyên truyền đến các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh do mình quản lý để có giải pháp chằng chống, cắt tỉa hoặc chặt hạ các cây xanh có nguy cơ gãy, đổ dưới tác động của mưa bão. Qua đó, nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt, tài sản, tính mạng con người.