Theo dõi trên

TP. Phan Thiết hiện có 947 nạn nhân bị nhiễm & nghi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin

10/08/2021, 07:57

BTO- Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận (Khu 6), trong đó có thành phố Phan Thiết là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt, thực hiện hàng trăm phi vụ rải chất độc hóa học nhằm tiêu diệt các khu căn cứ kháng chiến của quân ta như: Bưng Cò Ke – Ba Hòn (Phan Thiết); Khu Tam Giác Sắt (Hàm Thuận Bắc); núi Lồ Ồ (Tánh Linh).  Sau chiến tranh, toàn tỉnh có hơn 6.000 người bị nhiễm và nghi nghiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Riêng thành phố Phan Thiết có gần 1.000 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam, hầu hết đều rất khó khăn trong cuộc sống. “Nạn nhân chất độc da cam là những người thiệt thòi nhất trong những người thiệt thòi. Đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Đông nhất là phường Phú Thủy 82 trường hợp (có 8 trường hợp thuộc thế hệ con, cháu); Kế đến là phường Phú Trinh với 42 trường hợp (2 trường hợp thế hệ thứ 2); phường Xuân An 19 trường hợp; phường Đức Long 14 trường...

Ông Trình Văn Đạo (SN 1948), ở khu phố 8 phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết (gia đình có 3 nạn nhân), vợ Nguyễn Thị Chín (SN 1950),  1 con gái là Trình Thị Hằng (30 tuổi), bị di chứng chất độc da cam từ nhỏ. Bà Nguyễn Thị Chín cho biết: “Tôi đẻ cháu ra thì chưa biết cháu bị bẩm sinh đâu, cơ thể đầy đặn như bao đứa trẻ khác, dần dần, nuôi cháu đến 5 tuổi mà không nói được, chưa biết đi. Từ đó vợ chồng tôi mới biết cháu bị nhiễm chất độc hóa học từ bố mẹ”. Được Thành ủy, UBND, UBMT Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội của phường, thành phố luôn quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà, nên vợ chồng tôi cũng tự vượt qua mọi khó khăn để nuôi mình và nuôi con, ông Đạo cho biết thêm. Trường hợp nạn nhân Lê Hữu Yến (SN 1955), ở khu phố 5 phường Phú Thủy, ba thế hệ (cha – con - cháu) bị nhiễm chất độc hóa học, con gái Lê Thị Thuận (SN 1982), cháu ngoại Phạm Lê Hoàng Phúc (SN 2011).

Cả hai vợ chồng về hưu mang trong mình bệnh chất độc hóa học, cuộc sống chỉ dựa vào đồng lương hưu hàng tháng, phải nuôi con, nuôi cháu tật nguyền, bữa no bữa đói. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là sự động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin thành phố dù rất nhỏ, đời sống gia đình tôi cũng tạm ổn.

Khác với những gia đình có ba người bị nhiễm chất độc hóa học, nạn nhân Vương Anh Sáu (SN 1953) ở khu phố 10, phường Phú Trinh, bị bệnh tai biến, đi lại khó khăn. Con trai Vương Hoàng Minh (SN 1983), cùng bị nhiễm chất độc da cam. Hoàng Minh đi lại, sinh hoạt bình thường, nhưng thần kinh thất thường lúc nhớ, lúc quên hay mặc cảm. Ông Sáu nói: “Dù chút ít vật chất, nhưng sự động viên tinh thần của chính quyền, của Hội làm chúng tôi thêm nghị lực để vươn lên”. Hiện nay, hàng trăm gia đình nạn nhân bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc màu da cam ở thành phố Phan Thiết cũng nhận được sự hỗ trợ giúp tương tự.

Ông Võ Huy Phượng (SN 1948), khu phố 8, phường Đức Long, nạn nhân da cam 61%. Cơ thể gầy còm, hơi thở nặng nhọc, tay chân quờ quạng, tâm sự: “Con cái bị thất nghiệp, vợ chồng già phải gồng giúp đỡ trông cháu, để con đi làm kiếm sống. May nhờ Hội NNCĐDC thành phố cho vay 10 triệu đồng qua hai đợt, gia đình cũng tự xoay xở, lo toan được cuộc sống hàng ngày.   

Ông Võ Ngọc Quang (SN 1952), thiếu tá bộ đội Biên phòng về hưu ở  phường Thanh Hải, bố của nạn nhân Võ Hoàng Anh (SN 1986) nói: “Nhờ địa phương quan tâm cho cháu, nhân các ngày lễ, tết cán bộ Hội cũng đến thăm, tặng quà cho cháu,  cháu có trợ cấp da cam hàng tháng hơn 10 năm nay. Thông qua nguồn vốn cho vay của Hội NNCĐdC thành phố, mỗi năm gia đình cũng muối được 300 lít mắm, mở một tiệm tạp hóa, đời sống cũng tạm đủ, ông Quang cho biết thêm”.

Toàn thành phố Phan Thiết hiện có 974 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam. Ông Phạm Ngọc Tiền - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Phan Thiết cho biết: Thành phố Phan Thiết rất phấn khởi có hơn 30% (80/230) gia đình các nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế tạm ổn định. Số còn lại (150 gia đình) có người trực tiếp tham gia kháng chiến và 32 nạn nhân là con, cháu của họ. Trong số này có 50% (75 người), hiện có hoàn cảnh khó khăn; lớn tuổi, neo đơn, ốm đau triền miên. Cán bộ Hội đã không quản ngại khó khăn, đi gõ cửa từng cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để vận động giúp đỡ họ, không để một ai ở lại phía sau. Hiện tại thành phố Phan Thiết có 1 trường hợp đã có nhà, nhưng chưa hợp thức được GCNQSDĐ, 1 trường hợp còn ở nhà thuê (không có đất xây nhà) tại phường Phú Thủy, 3 trường hợp đã có nhà, nhưng xây dựng lâu năm nay đã xuống cấp (tại phường Đức Long), đang cần sự chung tay giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng.   “Hội đã gặp trực tiếp đến các doanh nghiệp, cơ quan, nhà hảo tâm, cung cấp những hình ảnh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để họ ủng hộ” - ông Tiền chia sẻ”.

Trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Phan Thiết đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền và vật chất với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Từ nguồn ủng hộ này, nhiều gia đình nạn nhân được tặng nhà tình nghĩa, tặng quà; được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; cho vay vốn sản xuất, chăn nuôi; được trợ cấp thường xuyên hàng tháng...

Sự vơi bớt khó khăn của các nạn nhân là động lực để Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Phan Thiết tiếp tục quyết tâm làm tốt công tác “vì nạn nhân chất độc da cam”.

 Danh Lư



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP. Phan Thiết hiện có 947 nạn nhân bị nhiễm & nghi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin