Theo dõi trên

TP. Phan Thiết: Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại

27/08/2020, 08:58

BT- Chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán được đa số người dân trên địa bàn TP. Phan Thiết lựa chọn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng quan tâm đến chất lượng, rõ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là thuận tiện, các cửa hàng tiện ích đã ra đời. Sự phát triển này đã tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn.

                
      
      Các cửa hàng tiện lợi với đầy đủ các mặt hàng đang dần lấn át chợ    truyền thống.

Thay đổi thói quen mua sắm

Những con đường chính hay những khu dân cư đông đúc trên địa bàn TP. Phan Thiết đều đã xuất hiện các cửa hàng tiện ích hiện đại. Đến nay toàn thành phố đã có 82 cửa hàng VinMart, Bách Hóa Xanh và máy bán hàng tự động.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám sát khu vực của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận cho biết, Bách Hóa Xanh đã “đổ bộ” về Bình Thuận khoảng gần 1 năm nay. Hiện trên toàn tỉnh có 48 cửa hàng Bách Hóa Xanh, riêng tại Phan Thiết có 11 cửa hàng với đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm mỗi ngày để phục vụ người tiêu dùng. “Xu hướng của công ty là mở các cửa hàng Bách Hóa Xanh tập trung vào các khu vực đông dân cư, có nhu cầu mua sắm lớn, trong đó có các địa điểm gần khu chợ hoặc xung quanh các chợ... Bách Hóa Xanh muốn tiếp cận nhiều hơn đến người nội trợ và người tiêu dùng bình dân, đối tượng tiêu dùng số đông”, ông Dũng chia sẻ.

Không riêng Bách Hóa Xanh, VinMart cũng đã xây dựng 18 cửa hàng tại các phường, xã trên địa bàn thành phố. Với những ưu điểm như: giá cả được niêm yết rõ ràng, các sản phẩm được sắp xếp theo khu vực một cách ngăn nắp, dễ nhìn, không gian mua hàng mới mẻ, nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích cầu… đã thu hút một lượng người tiêu dùng đến mua sắm.

Cũng từ ngày có cửa hàng tiện ích gần nhà, chị Trần Phương Anh, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết không còn phải tích trữ thực phẩm như trước. Thay vào đó cứ hết giờ làm việc, chị chỉ cần vào cửa hàng này là có thể mua được đồ tươi ngon về chế biến. “Mua sắm ở đây cho tôi cảm giác yên tâm hơn so với chợ bên ngoài, hàng hóa gắn nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm tươi sống được bảo quản trong tủ lạnh. Hơn nữa, các mặt hàng lại phong phú, thuận lợi cho việc mua sắm của người tiêu dùng”, chị Phương Anh chia sẻ thêm.

Ông Lê Văn Chơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết, UBND thành phố cùng với Sở Công Thương đã có nhiều hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các phương thức thương mại hiện đại, phù hợp với đô thị văn minh. Cụ thể là phát triển các cửa hàng tiện ích nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng. Mô hình này được đánh giá là một xu hướng văn minh thương mại, ngày càng chiếm ưu thế so với kênh bán lẻ truyền thống.

 Chợ truyền thống gặp khó

Khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP. Phan Thiết cho thấy, sự phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện ích đã có tác động lớn đến hoạt động bán lẻ tại các cửa hàng nhỏ lẻ, sạp hàng tại các chợ truyền thống.

Theo ông Lê Văn Hậu - Trưởng Ban quản lý chợ Phan Thiết, trong những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống siêu thị và đặc biệt là sự “phủ sóng” của các chuỗi cửa hàng tiện ích đã khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, thời trang... bị tác động nhiều nhất, sức mua giảm khoảng 60 - 70% so với trước. “Các sạp hàng hóa của những hộ kinh doanh trong chợ hiện đang gặp khó khăn. Nguyên lầu 1 của khu B không có bóng dáng người, hiện chỉ còn 137 ki ốt xung quanh chợ là buôn bán được”, ông Hậu chia sẻ thêm.

Chị Nguyễn Thị An, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Lê Thị Hồng Gấm (phường Phú Tài) cho biết: Hơn 5 tháng trở lại đây trên tuyến đường này đã xuất hiện nhiều cửa hàng tiện ích của Bách Hóa Xanh, VinMart, do đó doanh thu của cửa hàng chị cũng giảm mạnh. Để thu hút được khách hàng, chị phải đầu tư đa dạng hơn các mặt hàng. Đồng thời, trưng bày các mặt hàng sao cho gọn gàng, đẹp mắt hơn, điều chỉnh giá bán giảm hơn một chút so với thông thường để “giữ chân” khách quen.

Cũng theo ông Lê Văn Chơn, trong bối cảnh cửa hàng bán lẻ hiện đại ngày càng mở ra nhiều, nếu các chợ truyền thống không chủ động thay đổi sẽ khó cạnh tranh được. Do đó, hàng hóa tại chợ truyền thống phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, giá cả phải được niêm yết rõ ràng và bỏ thói quen nói thách, chèo kéo khách hàng, cũng như việc nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng của các tiểu thương tại chợ truyền thống là những việc làm hết sức cần thiết.

    
      Xác định tầm quan trọng của hệ thống chợ truyền thống trong chuỗi phát   triển thương mại, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh cải thiện, nâng cao hoạt   động kinh doanh tại các chợ truyền thống qua việc tuyên truyền, vận động   và phổ biến những kiến thức về an toàn vệ sinh, thái độ mua bán văn   minh, thân thiện… phục vụ người dân và du khách đến tham quan, du lịch”,   ông Chơn cho biết thêm.

 Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP. Phan Thiết: Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại