Trong tình huống chưa phát hiện bệnh dịch, địa phương đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn thành phố thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn bất hợp pháp. Mặt khác vận động các tổ chức đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, không làm người dân hoang mang, lo lắng mà ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi lợn và nhu cầu sử dụng thực phẩm thường xuyên của xã hội… Đối với các phòng, ban chức năng thì phối hợp kiểm tra, dự phòng sẵn phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn và sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại địa bàn cơ sở cũng được tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận khu phố - thôn nhằm phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn lợn, kịp thời bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp và không để dịch lây lan.
Với tình huống phát hiện ổ dịch, UBND các phường - xã khẩn trương phối hợp với phòng ban chức năng của thành phố để tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết. Đồng thời tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát và thiết lập trạm, chốt kiểm soát vận chuyển lợn cũng như các sản phẩm lợn. Tiếp nữa là lập trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài… Trong tình huống này, TP. Phan Thiết cũng tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên và 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo tại vùng bị dịch uy hiếp. Ngoài ra còn tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/tuần trong vòng 1 tháng trong vùng giám sát và chỉ sau 60 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng mà không có con vật nào mắc bệnh thì mới được công bố hết dịch…
Đ.QUỐC