Theo dõi trên

Trái ngược lãi suất ngắn, dài hạn

02/08/2019, 11:08

 BT- Cuộc giằng co giữa cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp với cho vay tiêu dùng, bất động sản với lãi suất cao, có lời cũng khiến các ngân hàng tính toán nhiều trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được.

                
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng    Agribank. Ảnh: Đình Hòa

 Khát vốn trung - dài hạn

Như lệ thường, năm nay bước sang tháng 7, một loạt chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã niêm yết lại lãi suất huy động theo hướng tăng. So với cuối năm 2018, mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tăng khoảng 0,5%. Điểm qua cho thấy, có nhiều ngân hàng đang có mức lãi suất kỳ hạn dài trên 8%/năm. Đó là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) lãi suất 8,6% dành cho khách gửi từ 24 tháng trở lên, không yêu cầu sàn giá trị tiền gửi; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lãi suất 8,55% cho kỳ hạn 13 tháng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) 8,3% cho kỳ hạn 24 - 36 tháng… Ngoài ra, một số ngân hàng còn “đua” phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất cao không kém như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) 8,1%/năm... cho các kỳ hạn từ 18, 24 và 36 tháng; Viet Capital Bank đang áp dụng mức lãi suất 8,7% cho kỳ hạn 24 - 60 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến… Không chỉ có kỳ hạn dài, kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh tăng nhưng không đáng kể. Các ngân hàng đều khuyến khích, thuyết phục người gửi tiền vào các kỳ hạn dài, kèm theo đó là những món quà khuyến mãi hấp dẫn. Trong khi đó, lãi suất huy động liên ngân hàng lại sụt giảm, có lúc xuống 3%/năm. Thêm nữa, có những tín hiệu ở nguồn vốn ngắn hạn cho thấy thanh khoản ở các ngân hàng vẫn đang dư thừa. Từ đây xuất hiện các câu hỏi, vì sao các ngân hàng vẫn chạy đua huy động vốn cho dù thanh khoản không thiếu? Tại sao lãi suất giảm mạnh trên thị trường liên ngân hàng lại không lan tỏa sang thị trường dân cư? 

Theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng, tình hình này xuất phát từ tình trạng “Thiếu vốn cục bộ” mà ở đây cụ thể là “vốn trung – dài hạn”. Vốn trên thị trường liên ngân hàng là những nguồn vốn rất ngắn hạn nên việc giảm lãi suất trên báo hiệu là các ngân hàng không thiếu. Để giải tỏa cơn khát vốn trung dài hạn, các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này. Và tùy vào tỷ trọng dư nợ trung dài hạn của từng ngân hàng, cụ thể nếu cao thì biểu lãi suất huy động rất hấp dẫn, ngược lại không cao thì lãi suất huy động các kỳ trung và dài hạn của ngân hàng đó vẫn không qua nổi 7%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là để tuân thủ quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.

 Lãi suất thấp treo cao?

Lẽ đương nhiên, huy động lãi suất tăng thì cho vay cũng với lãi suất tăng. Đó là lý do các khoản vay trung - dài hạn hiện nay đang đẩy lên mức phổ biến 12 - 14%. Có nhiều trường hợp theo thỏa thuận, lãi suất vay còn cao hơn. Lý do theo nhiều người phân tích, ngoài chuyện huy động cao phải cho vay cao, còn có yếu tố khác là đến thời điểm này, nhiều ngân hàng sắp hết “room” tín dụng cả năm.Vì vậy, dù có được nới cho phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế thì cũng không có chuyện các ngân hàng phải cạnh tranh giảm lãi suất. Mặt khác, cuộc giằng co giữa cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất cao có lời từ các lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bất động sản cũng khiến các ngân hàng tính toán nhiều trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, đến 30/6/2019, trong khi nguồn vốn huy động của toàn tỉnh đạt 39.034 tỷ đồng, tăng 14,94% so với cuối năm trước thì tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt đến 52.632 tỷ đồng, cũng tăng 13,44% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 29.090 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm trước; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.048 tỷ đồng, tăng 32% so với cuối năm trước…

Qua số liệu trên cho thấy, trong 6 tháng đầu của năm, các ngân hàng tại tỉnh tập trung cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên, nổi bật là 2 lĩnh vực trên. Chung quy lại cũng nhờ nguồn vốn ngắn hạn đang dồi dào. Và ngày hôm qua, 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đồng loạt giảm lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên đến hết ngày 31/12/2019 với mức giảm 0,5%/năm. Có nghĩa có nhiều khoản vay trong các lĩnh vực ưu tiên sẽ về mốc 5,5%/năm, thấp hơn 0,75 - 1%/năm so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Động thái trên có nghĩa trong thời gian tới, tức đến 31/12/2019, các lĩnh vực ưu tiên sẽ tăng dư nợ nhiều và không như dự đoán nhiều người là lãi suất thấp treo cao.Vì bên cạnh thông tin giảm lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên, ngân hàng nào cũng kèm theo những gói cho vay có định lượng cụ thể.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái ngược lãi suất ngắn, dài hạn