Kỹ năng mềm hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội, là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm… Thực tế hiện nay, hầu hết các nhà tuyển dụng đều rất coi trọng kỹ năng mềm của ứng viên và xem đây là tiêu chí hàng đầu để đánh giá nhân lực. Nhiều sinh viên sau khi đã ra trường, mặc dù rất tự tin với kiến thức mà họ đã được trang bị ở giảng đường đại học, tuy nhiên các em vẫn bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Có những sinh viên học rất tốt trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn.
Với mục tiêu lâu dài và bền vững của Trường Đại học Phan Thiết là xây dựng hình ảnh sinh viên UPT năng động, sáng tạo, trung thực, có tinh thần trách nhiệm, hội tụ đầy đủ kỹ năng và kiến thức để làm việc hiệu quả trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển nguồn lao động ở thời đại mới. Vì vậy, ngoài việc cải tiến phương pháp giảng dạy, nhà trường còn giúp sinh viên có cơ hội nâng cao kỹ năng mềm của bản thân như học theo nhóm, học kèm nghiên cứu, học gắn liền với tình huống thực tế, tham gia các hoạt động xã hội và ngoại khóa. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, đưa sinh viên đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, công ty để sinh viên có thể hình dung rõ ràng hơn các quy trình làm việc thực tế, hình dung rõ hơn sau khi ra trường phù hợp với công việc gì, vị trí nào, và làm những gì, như thế nào. Nhờ đó, sinh viên khi ra trường đã thích nghi nhanh với công việc, có khả năng vận dụng tốt các tình huống để giải quyết công việc một cách có hiệu quả. Ngoài ra, trường còn tăng cường mời các nhà doanh nghiệp, một số môn học có yêu cầu môn học có đưa đi khảo sát thực tế để làm tiểu luận, mời các chuyên gia về kinh tế đến nói chuyện chuyên đề, khuyến khích sinh viên tham gia các buổi hội thảo, các cuộc thi liên quan đến việc phát triển kinh tế, xã hội để tăng cơ hội giao lưu, học hỏi, nắm bắt được tình hình của địa phương, đất nước hiện tại.
Song song đó, Trường Đại học Phan Thiết luôn khuyến khích các sinh viên tham gia đầy đủ các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ... nhằm nâng cao thể lực và trí tuệ. Nhiều câu lạc bộ học thuật, văn nghệ cấp khoa, trường đa dạng quy mô để sinh viên thỏa sức thử trí, tranh tài và rèn luyện. Cùng với các hoạt động tình nguyện sôi nổi từ Đoàn Thanh niên như chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tháng thanh niên, Tết Trung thu cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn… đã thu hút đông sinh viên tham gia. Qua đó, sinh viên trường có cơ hội bổ sung các kiến thức học thuật chuyên ngành, ứng dụng tính thực tiễn vào từng giá trị môn học. Đây còn là môi trường để sinh viên trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng mềm, xây dựng các mối quan hệ trong môi trường đại học.
Em Nguyễn Hồ An Khang - sinh viên Khoa du lịch, Trường Đại học Phan Thiết chia sẻ: “Ngay từ đầu bước vào môi trường đại học, em đã xác định ngoài học tốt kiến thức thì việc trang bị cho mình những kỹ năng mềm là điều cần thiết. Do vậy, em đã tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức, mới đây em đã tình nguyện tham gia các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 như tình nguyện viên phục vụ lễ khai mạc, hướng dẫn khách du lịch nước ngoài đến Bình Thuận...Qua đó, em được trang bị các kỹ năng về giao tiếp, hoạt động nhóm và rèn luyện thêm kiến thức tiếng Anh khi giao tiếp với người nước ngoài... giúp em tự tin, học tốt hơn chuyên ngành du lịch mình đang theo học để sau khi ra trường mình dễ tìm kiếm việc làm hơn”.
Theo Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Phan Thiết, việc chú trọng trang bị các kỹ năng mềm đã giúp sinh viên tự tin, năng động, ứng xử, giao tiếp tốt hơn. Đồng thời, có điều kiện tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ sinh viên Trường Đại học Phan Thiết có việc làm sau khi tốt nghiệp là 97%.