Bàn ghế, giường sạp, thang leo, lồng hái trái, kể cả luôn cái ống tre múc nước mắm, cái bàn chải tre cọ rửa xuồng ghe, tất cả đều bằng tre. Xa lên phía trên một chút là bến thợ chẻ, thợ đan. Thợ chẻ chuyên ra tre rồi chuốt sơ theo kích cỡ bên thợ đan yêu cầu. Thợ đan thì đan thành từng món, từng thứ như: mê tre đáy xuồng nhỏ, mê tre thuyền thúng chai, nhiều nhất là chuốt thành dây đai từng cuộn bó đai thùng lều nước mắm. Bên bờ đường Bà Triệu có bến ngang cho mấy ghe cá nhỏ đi lưới về, mang cá tươi lên bán ở các chợ Đồn, chợ Gò, chợ Phường... Theo đường Bà Triệu đi lên có bến Bà Bát, lên thêm chút nữa có bến Văn Thánh có ghe đi qua chùa Cốc, Đức Nghĩa.
Bến Bà Bát nằm gần khu Lò Heo chuyên giết mổ heo, trâu bò. Từ dưới bến ngang đi lên là đến chợ Gò, rồi đến khu Lò Heo, tiếp đến là Văn Thánh. Bến Bà Bát được chia làm hai bên, bên có đóng cừ gỗ và đóng bậc thang chắc chắn từ trên bờ sông xuống tận mép nước, cho ghe xuồng cá cặp neo vào để gánh chuyển cá lên ướp làm mắm trong thùng lều lớn xếp từng hàng trong nhà lều. Qua hai ba dãy lều mắm là đến một ngôi nhà lầu của chủ lều là vợ chồng ông Trần Gia Hòa, có tục danh là Bát Xì, vì ông có mang hàm tòng bát phẩm thời đó, nghe nói toàn bộ vật liệu xây dựng gần như được gửi mua từ bên Pháp chở sang. Bên không có đóng cừ gọi là bến đổ cát xây dựng được chuyển từ Phú Tài, Phú Mỹ, về bằng ghe rồi gánh bộ đổ lên bãi gần bờ để ai đến mua thì người ta bán theo xe chở như xe bò, xe lôi kéo tay. Cây cầu gỗ bắc qua con lạch nhỏ chạy từ nơi nhánh sông Cà Ty vào đến bên trong xóm bãi bần, khúc từ chợ Gò lên đến sau lưng nhà máy nước. Nước triều dâng thì bãi đầy, khi nước rút chỉ còn lại con lạch. Bãi bần này giờ đã không còn, chỉ còn con lạch dùng để tiêu thoát nước mà thôi. Cây cầu đó giờ thành cầu đúc có tên là cầu Bát Xì, còn bến dưới là bến Bà Bát.
Cây cầu giữa hay còn gọi là cầu Quan, là cây cầu độc nhất của Phan Thiết ngày đó, đến thập niên 70 mới có thêm hai cái nữa hai bên. Cầu đúc nối đường Trần Hưng Đạo và cầu gỗ nối đường Trần Cao Vân, bây giờ cũng đã đúc và được đặt tên là cầu Dục Thanh. Ngày ấy, do là thời chiến nên cây cầu giữa được bảo vệ rất kỹ. Hai bên mố đầu cầu được rào chắn bằng kẽm gai, các trụ cầu cũng được rào chắn từ xa, không một ai được đến gần hoặc leo xuống chân cầu, ghe thuyền cũng không được neo đậu dưới chân cầu và cả khu vực gần cầu, để tránh bị cài mìn hoặc đánh bom làm sập cầu. Còn có thêm nguyên một trung đội lính Bảo An canh giữ hai đầu, trên cầu thì xe cộ chỉ lưu thông một chiều, còn người đi bộ, gánh gồng, thì được qua lại hai chiều hai bên. Thời ấy, đặc biệt chỉ có một sếnh sáng (Tiên sinh) là ông Trần, có một chiếc xuồng câu nhỏ, bề ngang giữa thân độ 1,5 m, bề dài hơn 3 m một chút, là được ưu tiên cột dưới chân cầu. Ông Trần là người Hoa, tên đầy đủ là Trần Nam Hương, là chủ khách sạn Thuận Thiên nhưng được gọi nhiều dưới cái tên khách sạn Trần Nam Hương. Ông nổi tiếng vì lúc đó có rất ít khách sạn, mà khách sạn của ông lại nổi tiếng với cái mỹ danh là khách sạn hào hoa. Ông quen biết với nhiều giới làm ăn kinh tế, quen biết nhiều với chính quyền và hai giới quân sự, cảnh sát. Tuy làm ăn như thế nhưng ông lại có tật là thích đi câu, nên ông mới sắm xuồng câu và do quen biết nhiều nên xuồng câu của ông mới được cột chân cầu, chỉ duy mình ông là được xuống lấy xuồng và câu trong khu vực gần cầu nhiều cá. Với chiếc xuồng câu đó, tôi lúc còn nhỏ đã được đi cùng ba tôi, là bạn câu cùng với ông đi câu tôm càng xanh trên dòng sông Cà Ty ban đêm, từ dưới này lên đến bến Bà Bát. Chiếc xuồng, mặt trên có thả ván sàn, hai đầu có cột hai cái giỏ lưới có bọc hai cục đá, đi đến đâu muốn dừng lại câu thì thả hai cục đá xuống nước thì xuồng đứng im một chỗ, khỏi cần có neo. Trên xuồng, ông đã chuẩn bị sẵn tất cả vật dụng cần thiết để có thể tổ chức cuộc nhậu trên sông khi câu đã có tôm, kể cả cái lò lửa nấu bằng dầu.
Thật đúng là cuộc vui sông nước, không có thú nào hơn. Ngồi trên xuồng, hai người chèo nhẹ từ từ, mài dầm vốc nước sông ánh lên bàng bạc dưới trăng, gió mát thổi nhẹ trên sông, ngọn đèn đêm treo đầu xuồng đong đưa theo gió. Xuồng neo trên một khúc sông nào đó rồi buông câu, được năm ba con gì đó thì bắt đầu nổi lửa. Mùi tôm càng xanh nướng tỏa lan trên sông, không biết hai bên bờ có ai nhận thấy. Xa phía trên là ánh đèn sáng chong nơi bến Bà Bát, cho ghe chuyển cá lên bờ. Kỷ niệm một đêm trăng trên bến nước ngày xưa.