Quai chuông là 2 tượng rồng đấu lưng vào nhau tạo thành vòng cung làm giá treo chuông. 2 đầu rồng quay ngang, mũi cao, miệng há ngậm ngọc, mắt lồi, bờm và vây lưng dựng hình ngọn lửa. Thân rồng đúc nổi các lớp như vảy cá. 2 chân rồng đúc vảy nổi, cong gập thước thợ, bám chặt trên đỉnh chuông, chân rồng đúc nổi 5 móng. Chuông được đúc vào ngày lành, tháng 6 (quý hạ) năm thứ 27 niên hiệu Tự Đức (1874).
Thẩm định từ hội thảo khoa học
Để thẩm định và đánh giá các giá trị xác thực khoa học về chiếc chuông đồng thủy vệ Bình Thuận, nguồn gốc, chức năng, tổ chức, cá nhân nào từng sử dụng… Ngày 10/12 /2021, Bảo tàng Nghệ thuật Ánh Dương đã mời các nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này tổ chức Hội thảo “Đánh giá giá trị chuông đồng Bình Thuận thủy vệ và mối liên quan với chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo dưới triều Nguyễn”.
Tại Hội thảo TS. Nguyễn Đình Chiến nguyên PGĐ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: “So sánh với những quả chuông đã biết ở nước ta, quả chuông “Bình Thuận thủy vệ” này là một trường hợp khá đặc biệt”. Đặc biệt về kỹ thuật đúc quả chuông là quai và thân chuông đúc liền bằng kỹ thuật khuôn phá, theo truyền thống đúc đồng cổ truyền từ thời văn hóa Đông Sơn hơn 2000 năm trước. Hơn nữa, toàn bộ các hoa văn, các đường chỉ phân chia thân chuông cho đến các minh văn chữ Hán đều được đúc nổi. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật đúc đồng ở trình độ cao, chưa từng thấy trên các chuông đồng đã biết. Chân rồng quai chuông có 5 móng cũng là điểm đặc biệt đáng lưu ý! Vì vậy, chúng tôi cho rằng đúc quả chuông này phải là những thợ đúc giỏi trong Ngự xưởng của đời vua Tự Đức. Ngoài ra, minh văn còn cho biết các thành viên đội thủy binh (thuộc) vệ Bình Thuận cùng nhau tuân lệnh đúc quả chuông; và vào năm Tự Đức 27, vùng đất Bình Thuận là 1 trong số 15 vệ thủy binh của nhà Nguyễn (sách: Một số vấn đề về quan chế triều Nguyễn, tr.232).
PGS.TS Nguyễn Công Việt nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm cho biết: Ô bên cạnh đúc 9 chữ Hán là Bình Thuận Thủy vệ viên biền đẳng phụng chú (Viên võ quan cấp thấp thuộc Vệ thủy quân Bình Thuận phụng mệnh đúc chuông) và chức năng của chuông này có thể dùng để báo tin, báo giờ, báo động, cấp báo, truyền lệnh, truyền tín hiệu... theo quy ước của đơn vị này, của Thủy vệ Bình Thuận và rộng hơn trong không gian hải phận khu vực Bình Thuận về mặt quân sự, an ninh có thể đan xen cả ý nghĩa xã hội.
Liên hệ với ở thủy vệ binh Bình Thuận
Những năm 2012 - 2014, một số nhà nghiên cứu khoa học về thủy vệ binh ở Bình Thuận cho biết: Thủy binh ở địa phương này từ thời chúa Nguyễn đã được quan tâm. Đến các vua triều Nguyễn, đặc biệt là vua Tự Đức, ngày càng được coi trọng, thông qua những ghi chép của sử biên niên, của sắc phong, sắc chỉ và gia phả các dòng họ. Đặc biệt là những di tích hiện còn tại dòng tộc họ Lê ở thị trấn Liên Hương do cụ Lê Nhự là hậu duệ 5 đời của những người chỉ huy các đội thủy binh ở Bình Thuận và Khánh Hòa lưu giữ (thời kỳ này tỉnh Thuận Khánh bao gồm Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa). Đó là những tài liệu quý, viết bằng chữ Hán Nôm. Nội dung những văn bản này cho thấy, trong dòng họ Lê của cụ Lê Nhự nhiều người từng được vua Tự Đức phong chức Cai đội, cai quản cả một vùng biển đảo rộng lớn từ Bình Thuận đến Khánh Hòa.
Những tài liệu quý báu này đã được khảo sát và thẩm định các giá trị về lịch sử, văn hóa liên quan đến chính trị, quân sự thời Nguyễn; minh chứng về nhiều đội hùng binh trong hải đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ những khảo sát và miêu tả về di tích, liên quan đến miếu thờ binh sĩ và Đình làng Bình An, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Quả chuông đồng Bình Thuận đúc năm 1874 của đội thủy vệ binh Bình Thuận là vật chứng vật chất có giá trị lịch sử quan trọng rất cần được tôn vinh là một bảo vật quốc gia.