Một quang cảnh ở chùa, bà con cầu nguyện một năm mới bình an, hạnh phúc. Ảnh minh họa |
Đi chùa cũng có năm bảy đường, có những người hiểu đạo, đi lễ Phật trang nghiêm và hòa nhã nhưng cũng không ít trường hợp đã xảy ra cảnh không đẹp làm giảm đi sự tôn nghiêm nơi thanh tịnh. Chẳng hạn, Phật tử nhét tiền vào tay Phật, dán tiền lên mình Phật; xin xăm coi quẻ tốt xấu cho một năm mới; đốt nhang nhiều hơn quy định làm khói nhang mù mịt; trang phục chưa kín đáo đối với một số người nữ; còn tranh nhau hái lộc, nhận lộc gây nên cảnh bất hòa, bất như ý… chính vậy tạo nên cảnh trẩy hội mất vui!
Ngày nhỏ, ít nhiều trong mỗi chúng ta cũng từng đi cùng với bà đến chùa nghe kinh, lễ Phật, ngắm cảnh. Thời khắc ấy nhẹ nhàng và thong dong cõi lòng cùng mây trời, cảnh trí và nơi cửa thiền an tịnh ấy làm lòng ta bớt đi những hỉ – nộ – ái – ố của dòng đời gây nên bao trận tham – sân – si. Đó là giây phút của sự trú ngụ hạnh phúc, là mầm thiện được khai mở, nếu biết đón nhận.
Lộc là tại tâm, giàu hay nghèo là do làm bằng đôi tay và khối óc mới có được, muốn người khác yêu quý kính trọng mình thì mình phải yêu quý, kính trọng họ. Đó là lẽ hẳn nhiên. Không có chuyện xin cho và ban ơn, càng không có chuyện nhét vào tay Phật ít ngàn đồng bạc mới là “tai qua nạn khỏi”, mà phải làm lành lánh dữ. Tất cả lỗi từ nơi mình mà ra cả!
Tháng giêng gắn với lễ hội là nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, hành trình về tâm linh của người Việt đẹp biết mấy! Chúng ta có cùng nhau mở lòng: nhường nhau trên những lối nhỏ, thắp nhang đúng số lượng và đúng nơi, trang phục trang nhã, lời nói ôn hòa, yêu thương nhau hơn hay không trong những ngày đi viếng chùa, trẩy hội cùng tháng giêng…
Tâm Anh