Thật thú vị trong chuyến đi phượt đường dài từ vùng biển mặn về thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đồng hành với Crusoz một tiến sĩ xã hội học người Nhật gốc Mexico mà lần trước chúng tôi đã gặp nhau chia sẻ nền văn minh ven bờ sông Dinh ở cửa biển La Gi.
Khi xe lên đèo cùng với một người quốc tịch Nhật, tôi bỗng nhớ ngày xưa làm phiên dịch cho một tập đoàn Nhật về công trình thủy điện. Ngày ấy, tập đoàn thuê rất nhiều công nhân Srilanka làm công theo các gói thầu. Qua nhiều lần tiếp xúc với họ, tôi phát hiện hầu hết anh em da nâu này tay nghề và Anh ngữ đều rất giỏi. Có lần được mời đi ăn cơm bốc với họ, tôi hỏi một công nhân lái xe múc rằng, tại sao trong các ông, ai cũng có tay nghề cao và tiếng Anh giỏi thế! Anh ta vừa dùng tay xoe xoe vo tròn viên cơm chuẩn bị đưa vào miệng vừa cười rất thoải mái trả lời: “Ở Srilanka chúng tôi, chính phủ quy định, học sinh cấp I học 100% tiếng mẹ đẻ, cấp II học 50% tiếng bản xứ 50% tiếng Anh, vào cấp III là 75% tiếng Anh và vào trường dạy nghề hay đại học 100% tiếng Anh, để sau này đi bất cứ nước nào cũng có thể tìm được việc, gọi là công dân toàn cầu”. Ngày ấy đối với tôi, thuật ngữ công dân toàn cầu có điều gì đó xa lạ, mơ hồ.
Lần này tình cờ gặp Crusoz - người có học vị, tôi hỏi: “Ông là tiến sĩ, sao đi lang thang một mình như người thất tình thế ông!”. Crusoz ngửa mặt lên trời cười sằng sặc: “Câu này tôi nghe mấy người ở La Gi hỏi rồi, thời buổi này đâu còn học một lần mà phải học suốt đời để tồn tại theo cuộc sống số. Tôi đi thế này là trải nghiệm thêm những điều mình chưa biết để tập làm công dân toàn cầu đó mà”. Nghe anh trả lời tôi bỗng nhớ đến anh em Srilanka ngày trước nên đề nghị “Vậy tí nữa lên đỉnh đèo thủy điện nghỉ mệt, ông giải thích cho tôi nghe thế nào là công dân toàn cầu nha ông!”.
Một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi ghé quán nước nhà vườn gọi 2 ly cà phê hòa tan (Instant coffee) Crusoz thì thầm vào tai tôi: “Đây là chuyến đi tìm hiểu nắng gió vùng miền duyên hải Bình Thuận và văn hóa trà người Việt ở B’Lao nhưng tiếc là ông đã gọi cà phê, mình đổi món được không!”. “Chắc được, để tôi nói với chủ quán đổi ly chè xanh” - Tôi trả lời. “Chè xanh là gì!” - Anh tò mò. Lại phải giải thích với mấy chú Tây ba lô về món nước uống dân dã của người Việt mình từ các công đoạn hái pha chè tươi nguyên chất. Crusoz chăm chú nghe xong vui ra mặt, anh nốc cả ly chè tươi một cách khoan khoái rồi vỗ tay đôm đốp. Đối với dân đi phượt, họ muốn trải nghiệm lăn lóc đời thường để khám phá một vùng đất, sự thân thiện của người bản xứ, nhất là các nhà xã hội học như Crusoz là điều cần thiết. Là người đi phượt có học hàm nên anh rất thích nghe những chuyện huyền thoại về sông núi của Bình Thuận như Hòn Bà (La Gi), Núi Ông (Tánh Linh) và sông Đa Mi (Hàm Thuận Bắc).
Nghe xong những chuyện xưa của đất và người Bình Thuận, Crusoz tiếp tục: “Nhân nghe qua những huyền thoại của ông, tôi xin phép chuyển sang mục công dân toàn cầu mà tôi đã hứa với ông trên đường đi. Như ông biết, cuối thế kỷ XX sang XXI, sự kiện lớn nhất là ông Bill Gate - cha đẻ của ngành công nghệ thông tin toàn cầu, mở đầu bằng Microsoft tiếp theo các chương trình khác được các nhà IT (kỹ thuật tin học) phát minh thêm như facebook, zalo, instagram, messenger, twitter, tiktok, telegram và AI (Artificial Intelligence) được phát minh ra phục vụ cho nhu cầu con người đã cho thấy toàn cầu đã kết nối với nhau qua wifi. Thành quả khoa học ấy tạo cho con người xích lại gần nhau, nhất là lớp trẻ chọn nghề với thị trường lao động chạy theo xu thế toàn cầu hóa. Các nước có nền công nghệ cao họ đã và đang sử dụng robot thay thế con người. Thời nay ở các nước phát triển, người làm việc văn phòng không cần phải lên cơ quan ngồi 8 tiếng, họ có thể làm việc tại nhà chuyển kết quả qua mạng lưới nội bộ, vì họ là những con người thời kỹ thuật số, còn gọi là công dân toàn cầu (Global citizen). Vì vậy để có thể trở thành công dân như thế này, ngoài kiến thức tay nghề chuyên nghiệp, lớp trẻ phải giỏi tiếng Anh mới có thể đi bất cứ nước nào trên thế giới. Thế hệ trước học 1 lần rồi sử dụng kiến thức đó làm việc suốt đời, nhưng sau thời Bill Gate mà chỉ chọn phương cách đó sẽ chết vì họ không cập nhật được phát triển của khoa học. Ông Peter Schwatz người Mỹ, từng là cố vấn cho 2 đời Thủ tướng Singapore đã nói rằng: "Kỹ năng quan trọng nhất để tồn tại trong thời đại bây giờ là khả năng tự học, học suốt đời, người mù chữ trong thế kỷ thứ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, không biết viết mà là những người không có khả năng tự học để hội nhập cái mới".
Lúc đến đỉnh đèo Hàm Thuận - Đa Mi, trước mặt chúng tôi là hồ nước xanh rộng dài bất tận với khí hậu trong lành, Crusoz nhìn những hòn đảo nhỏ giữa hồ và núi đồi bao quanh, anh có vẻ thích thú đưa máy ảnh bấm theo nhiều góc độ khác nhau rồi quay sang tôi cười thoải mái: “Trong cuộc hành trình này, mục đích của tôi là tận mắt khám phá đất và người Bình Thuận luôn tiện tìm hiểu về văn hóa thưởng thức trà của người B’Lao nhưng lại có cơ may nhìn cảnh đẹp mê hồn của hồ thủy điện. Ông là người Bình Thuận, ông có thể chia sẻ với tôi về công trình nhân tạo này được không”. Là dân hướng dẫn viên du lịch quốc tế thời trai trẻ, tôi bắt tay Crusoz giải thích: “Đây là chứng tích kết quả của hai nước Việt - Nhật. Cách đây trên 20 năm, người Nhật là chủ thầu bên B. Công trình này nằm trên 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng có công suất 300 MW, mặt hồ 25,2 km vuông dung tích 695 triệu mét khối khởi công năm 1997 và hoàn thành năm 2001.
Đặc biệt nước hồ ở đây quanh năm trong xanh như ngọc và có nhiều hòn đảo nhỏ như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Ven hồ Hàm Thuận - Đa Mi ngoài các du thuyền người ta trồng các loại cây ăn quả, nơi này đã trở thành điểm đến được ưa chuộng nhất của khách du lịch khi đến vùng đất đầy nắng gió của Bình Thuận...”
Chia tay người bạn đồng hành Crusoz giữa cuộc hành trình khám phá của ông còn đang phía trước. Lúc bắt tay từ biệt, Crusoz thân tình vỗ vai tôi thì thầm: “Đất và người Bình Thuận của ông quá đẹp, mức sống của người dân cao. Tuy nhiên để trở thành một người có tay nghề và kết hợp với ngôn ngữ quốc tế không phải dễ dàng. Hôm qua, tôi mới xem báo mạng thấy Chính phủ nước ông đã chính thức đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Điều đó sẽ chắp cánh cho thế hệ trẻ trở thành công dân toàn cầu đó ông!”.