Theo dõi trên

Triển khai Chương trình OCOP và du lịch nông thôn

09/09/2022, 15:46

BTO-Sáng 9/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm- OCOP” và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và quyết liệt. Đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao. Đặc biệt, có 65 sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg và Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng kế hoạch triển khai 2 chương trình này.

Theo đó, với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Bộ triển khai chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; phát triển thị trường…. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng…

Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai chương trình. Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường. Sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị từng cơ quan, đơn vị, địa phương tùy theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch hành động tham gia chương trình một cách cụ thể, sáng tạo. Sắp xếp, tổ chức triển khai chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 tinh gọn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Bố trí nguồn ngân sách địa phương lồng ghép các nguồn vốn về tổ chức triển khai thực hiện chương trình, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm, điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng và điều kiện thực tế của địa phương.

Tại Bình Thuận hiện có 70 sản phẩm của các chủ thể là các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 156 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. 100 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định là 30% so với tổng số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận.

Sản phẩm OCOP Bình Thuận

C.TƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyển đổi số: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là một giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại giúp sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng.
Nổi bật
Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải thực hiện cho được
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Thời điểm này, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt triển khai. Thực tế cho thấy công việc này là rất khó, nhưng khó mấy cũng phải thực hiện cho bằng được.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai Chương trình OCOP và du lịch nông thôn