Không phải ngẫu nhiên mà ông Hoan lại từ bỏ công việc đang “ăn nên làm ra” ở TP. Hồ Chí Minh để bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng và tìm đến xã Thắng Hải mua đất đầu tư trồng bưởi da xanh. Trước khi quyết định bỏ kinh doanh đi làm nông dân, ông Hoan đã tìm về vùng đất Thắng Hải để tìm hiểu khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Không phải như những nông dân bình thường, việc tìm hiểu về thổ nhưỡng và khí hậu tại vùng đất này được ông tiến hành một cách hết sức bài bản theo một quy trình không thể cẩn thận hơn. Bởi sau hơn 1 năm tới lui tìm hiểu thực tế và từ những người nông dân nơi đây, nhận thấy khí hậu 2 mùa mưa nắng ở đây khá giống với khí hậu ở các tỉnh miền Tây. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển các loại cây trồng có múi như sầu riêng, mít, cam, quýt và đặc biệt là bưởi. Đầu năm 2016, ông Hoan quyết định quy hoạch khu đất rộng 11 ha để xuống giống trồng trên 3.600 gốc bưởi da xanh. Đến nay, sau gần 4 năm đầu tư, chăm bón; vườn bưởi của ông Hoan đã phát triển xanh tốt và cho những trái bói đầu tiêu.
Không như những nhà vườn khác nóng vội trong việc cho đậu trái khi cây còn nhỏ, trong suốt 3 năm đầu đời, ông Hoan dành để nuôi cây, phải đến năm thứ 4 ông Hoan mới cho cây ra những trái bói đầu tiên. Với kỹ thuật tác động dinh dưỡng chủ yếu là dùng phân hữu cơ và hạn chế tối đa phân vô cơ để đất không bị thoái hóa, bạc màu. Đặc biệt, một trong những yếu tố góp phần mang lại hiệu quả trong việc trồng bưởi, ông Hoan đã sử dụng hệ thống tưới nước bằng vòi phun sương thay thế cho hệ thống tưới bằng dây ống. Với hệ thống này, khi tưới đất sẽ ướt đều, diện tích rộng và tạo được độ ẩm cho đất, giúp rễ bưởi dễ hấp thụ nước, các loại khoáng chất thiết yếu. Cách lắp đặt hệ thống vòi phun sương, cứ mỗi khoảng trống giữa 2 gốc bưởi ông đặt 1 vòi phun sương, đảm bảo cho bán kính phun nước phủ khắp mặt đất. Đến nay, bưởi đã ra hoa, kết trái. Lứa đầu tiên ông ngắt bỏ toàn bộ hoa, chỉ chừa lại vài trái để đánh giá chất lượng. Như mong ước của ông, vùng sinh thái đất đai, khí hậu tại Thắng Hải cùng với kỹ thuật tác động đã mang lại sản phẩm bưởi da xanh đạt chất lượng cao hơn so với giống bưởi da xanh được trồng ở một số vùng miền khác.
Đến nay vườn cây đã trĩu trái, ông Hoan ước tính với bình quân mỗi cây cho 30 trái thu bói, mỗi trái khoảng 2,2 kg, giá bán bình quân 35.000 đồng/kg thì mỗi cây sẽ cho thu nhập trên 2,5 triệu đồng/vụ, tức là gần 900 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để khẳng định giá trị của sản phẩm bưởi da xanh Thắng Hải trên thị trường, ông Hoan đang tiến tới xây dựng chứng nhận VietGAP.
Có thể nói, nhờ sự đánh giá kỹ lưỡng và giá trị hiện tại của các loại trái cây như bưởi da xanh, cam sành, quýt đường; mô hình cây bưởi da xanh của ông Hoan đang mở ra triển vọng rất lớn cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Thắng Hải nói riêng và huyện Hàm Tân nói chung.
T.ThẢo - N.Phong