Theo dõi trên

Trồng lúa bằng phương pháp cải tiến (SRI): Giảm gánh nặng cho phụ nữ

20/12/2018, 09:19

BT- Phát triển cây lúa bền vững bằng phương pháp cải tiến (SRI) được xem giảm gánh nặng cho phụ nữ tỉnh Bình Thuận  giai đoạn từ năm 2019 - 2025. Trong 2 năm 2016 - 2017, được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan, gọi tắt là SNV (do Chính phủ Hà Lan tài trợ) để thực hiện dự án “Dự án nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp (FLOW), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Thâm canh cây lúa theo phương pháp cải tiến SRI” trên địa bàn tỉnh tại 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Tuy Phong với quy mô 182,5 ha/275 hộ, đạt kết quả cao, được người dân đồng tình hưởng ứng. 

                
Ảnh minh họa

Theo dự án, mô hình tại Tuy Phong triển khai tại 2 HTX với diện tích 132 ha/ 213 hộ tham gia. HTX Long Hương diện tích lúa áp dụng SRI 61,2 ha/117 hộ. Trong đó, vụ đông xuân 2016 - 2017 gieo trồng diện tích 30,8 ha/49 hộ, năng suất bình quân 74 tạ/ha, giá thu mua bình quân 5.500 đồng/ kg, tổng thu nhập bình quân 40.700.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 22.878.000 đồng/ha. Giảm chi phí khoảng 1.003.000 đồng/ha và lãi cao hơn so với ruộng đối chứng 2.103.000 đồng/ha. Vụ hè thu năm 2017 gieo trồng với diện tích 30,4 ha/68 hộ, năng suất bình quân 66,3 tạ/ha, giá thu mua bình quân 5.500 đồng/kg, tổng thu nhập bình quân 36.465.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận 16.641.000 đồng/ ha. Giảm chi phí 1.099.000 đồng/ha và lãi cao hơn so với ruộng đối chứng 1.099.000 đồng/ha.

Tại huyện Hàm Thuận Bắc, HTX Hòa Thành với diện tích 50,5 ha/62 hộ tham gia. Trong đó, vụ đông xuân năm 2017 - 2018 triển khai với diện tích 25,5 ha/32 hộ, năng suất bình quân 69,23 tạ/ha, giá thu mua bình quân 6.300 đồng/kg, tổng thu nhập bình quân 43.615.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận 21.630.000 đồng/ ha. Giảm chi phí khoảng 675.000 đồng/ha và lãi cao hơn so ruộng đối chứng 2.622.000 đồng/ha. Hiện tại đang gieo trồng vụ hè thu năm 2018 với diện tích 25 ha/30 hộ. Hiện nay lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong 2 năm qua Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp Hội Phụ nữ tỉnh và các địa phương tiến hành chọn vùng, chọn hộ trên tinh thần tự nguyện tham gia, bước đầu đã xây dựng quy trình SRI phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực như giảm mật độ gieo sạ từ 60-80 kg/ha, giảm chi phí giống khoảng 1 triệu đồng/ha, giảm số lần tưới nước 4 - 6 lần tưới/vụ, giảm chi phí sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 2 - 2,5 triệu đồng/ ha, tăng năng suất lúa 1,7 - 2,3 tạ/ha, tăng lợi nhuận 1 - 3,4 triệu đồng/ha.  Qua đó góp phần nâng cao trình độ thâm canh của người dân, hạn chế lượng phân bón dư thừa trong đất, giữ gìn nguồn tài nguyên nước và cải thiện môi trường một cách bền vững.

Sản xuất lúa theo SRI không những góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là các hộ nông dân có nữ giới, người già không có điều kiện đến các thành phố, thị xã, các khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm thêm. Thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, họp nhóm, đối thoại góp phần cải thiện và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ, tăng cường nhận thức về bình đẳng giới tại địa phương. Ngoài ra, mô hình đã tạo động lực khi giảm bớt gánh nặng và trao quyền cho phụ nữ. Mô hình SRI giúp họ tiết kiệm được thời gian và bớt đi nỗi vất vả, giảm công phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp người phụ nữ có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và bản thân.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả; đồng thời chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là lao động nữ, thì việc xây dựng kế hoạch phát triển lúa bền vững áp dụng quy trình SRI trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2019 - 2025 là hết sức cần thiết.

    
    Đến năm   2025, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.380 ha/5.800 hộ canh tác lúa áp dụng   quy trình SRI. Các huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh gồm Hàm Thuận   Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh và Tánh Linh.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng lúa bằng phương pháp cải tiến (SRI): Giảm gánh nặng cho phụ nữ