Với vườn rau xanh mơn mởn trong nhà màng, Hợp tác xã rau an toàn Tiến Phát đã được chứng nhận VietGAP. Nhiều loại rau ăn lá được trồng như cải thìa, cải ngọt, bẹ xanh, đuôi phụng, xà lách… Ban đầu, hạt giống cấy vào mút ẩm để nảy mầm, phát triển thành cây con. Sau 10-12 ngày, cây con được chuyển lên giàn hệ thống thủy canh tuần hoàn. Hệ thống bơm nước và dinh dưỡng tự động tưới cho các loại rau trong kệ trồng theo kiểu luân hồi để đảm bảo sự phát triển của rau.
So với phương pháp thổ canh, phương pháp trồng rau thủy canh ít nhân công, chủ động quay vòng sản xuất trái vụ, tăng năng suất, giảm sâu bệnh. Đặc biệt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng bẫy keo để bắt côn trùng, sâu… Thêm vào đó, hợp tác xã tận dụng luống đất bên dưới kệ trồng rau thủy canh để trồng ngò gai. Bởi giống này chịu bóng râm, phát triển tốt khi được làm cỏ, bón phân và tưới đủ nước.
Cứ 100 m2 nhà màng, thì mức chi phí đầu tư ban đầu tương ứng khoảng 100 triệu đồng. Với tổng diện tích 1.400 m2, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 80 - 120 kg rau mỗi ngày, với giá 16.000 - 20.000 đồng/kg. Riêng giá ngò gai là 28.000 đồng/kg. Ước tính doanh thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Theo lãnh đạo UBND xã Vũ Hòa, cuối tháng 8/2019, Hợp tác xã rau an toàn Tiến Phát hình thành với 9 thành viên tham gia, không chỉ chuyên sản xuất kinh doanh các loại rau thủy canh, mà còn cung cấp thiết bị, dung dịch trồng rau và chuyển giao kỹ thuật. Từ diện tích 300m2 nâng lên thành 1.400 m2 nhà màng trồng rau trong vòng 1 năm cho thấy phương pháp trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu rau an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, chính quyền khuyến khích người dân tham gia sản xuất sạch góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của xã.
Trang Minh