Với diện tích đất đang sử dụng khá hạn hẹp nên dù rất thích trồng rau sạch tại nhà, nhưng chị Trần Thị Đoan – xã Phong Nẫm không thể bố trí được khoảng không gian trống. Tuy nhiên từ đầu năm 2015, sau khi nghe người quen giới thiệu về mô hình trồng rau thủy canh tại nhà, chị Đoan đã tìm hiểu và thực hiện. Với cách trồng thủy canh, chị chỉ tốn diện tích gần 3m² của sân vườn là lắp đặt được giàn trồng rau bao gồm 5 ống nhựa, mỗi ống dài 2m. Đến nay, gia đình chị có thể trồng nhiều loại rau ăn lá tại vườn để cung cấp nhu cầu sử dụng trong gia đình 3 người ăn hàng ngày. “Từ ngày áp dụng mô hình thủy canh, tôi thấy khoảng không gian xanh trong gia đình mát mẻ hơn hẳn. Với mô hình này, tôi vừa có rau sạch để sử dụng vừa có thể xem như một gốc kiểng lạ mắt trong nhà” - chị Trần Thị Đoan chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Chân và mô hình trình diễn rau thủy canh tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận. |
Trước nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân ngày càng lớn, nhất là các hộ khu vực nội thành Phan Thiết, từ năm 2011, Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã tổ chức mô hình trình diễn trồng rau thủy canh tại khuôn viên của trung tâm. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo để giúp người dân nắm được ưu điểm cũng như kỹ thuật của loại hình canh tác này. So cách trồng thổ canh truyền thống, trồng rau thủy canh có ưu điểm nổi trội đó là tiết kiệm được diện tích và có thể thiết kế để trang trí làm tiểu cảnh trong gia đình. Bên cạnh đó, do không sử dụng đất trồng nên rau thủy canh đảm bảo mức độ sạch và an toàn thực phẩm cao. Bà Nguyễn Thị Ngọc Chân - Phó Trưởng phòng Công nghệ sinh học - Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận cho biết: “Hiện nay trên địa bàn TP. Phan Thiết đã có nhiều gia đình áp dụng mô hình trồng rau thủy canh. Hệ thống giàn thủy cảnh được áp dụng cho tất cả các loại rau ăn lá, trong đó trồng nhiều nhất là sà-lách, cải… Bên cạnh đó, người trồng rau thủy canh không phải làm đất cũng như loay hoay xử lý cỏ dại. Là loại cây trồng ngắn ngày, nên có thể trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ và không mất thời gian cho việc tưới tiêu. Nhờ đó, năng suất sẽ cao hơn từ 25 - 50%. Đặc biệt, trồng rau bằng kỹ thuật thủy canh không gây tích lũy chất độc, góp phần bảo vệ môi trường và bữa ăn cho gia đình”.
Để lựa chọn không gian trồng thích hợp, người trồng có thể tận dụng mặt bằng sân thượng, ban công hay khoảng sân trước nhà. Đối với những gia đình thậm chí không có khoảng không gian trống như vậy thì cũng có thể sử dụng vách tường trước sân để lắp đặt ống nhựa, vừa trồng rau để sử dụng vừa làm tiểu cảnh trang trí. Tất nhiên, dù trồng ở những nơi nào thì phải đảm bảo ánh sáng cho cây quang hợp ít nhất 5 - 6 giờ trong ngày và cần phun nước 2 - 3 lần vào buổi trưa nắng gắt đối với rau ăn lá. Một lưu ý quan trọng nữa là cần tránh cho cây khỏi bị nghẹt thở bằng cách không bao giờ cho dung dịch ngập hoàn toàn bộ rễ, chừa phân nửa bộ rễ nằm trên mặt dung dịch, đồng thời giữ cho cây tránh nước mưa để dung dịch dinh dưỡng không bị pha loãng.
Mặc dù có khá nhiều ưu điểm vượt trội, tuy nhiên theo đại diện Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận thì hiện chi phí đầu tư ban đầu cao là một trở ngại lớn. Một giàn rau thủy canh với hệ thống 8 ống nhựa có chi phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng, bao gồm ống nhựa, máy phun nước và một số thiết bị khác. Nếu so trồng rau thổ canh thông thường thì trồng rau thủy canh khá đắt.
Ngày nay, khi mà vấn nạn thực phẩm bẩn đang xuất hiện nhiều, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng thì những hướng canh tác sạch, có thể áp dụng tại nhà như hệ thống trồng rau thủy canh đang bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm. Vấn đề còn lại chính là biện pháp hạ giá thành chi phí sản xuất và phổ biến kỹ thuật canh tác giúp mọi người có thể tiếp cận được với mô hình này.
Châu Tỉnh