Theo dõi trên

Trùm màng lưới cho vườn táo

12/01/2021, 08:38

BT - Gần đây, nhiều nông dân huyện Tuy Phong đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật bao lưới vườn táo để bảo vệ mùa màng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Không khó để bắt gặp những nhà lưới bao phủ cả vườn táo xanh khi đặt chân đến Tuy Phong. Táo Tuy Phong được ưa chuộng bởi nhờ thổ nhưỡng đất đá quánh, đá vôi nên độ giòn, ngọt cũng rất riêng. Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, thương lái từ khắp nơi đã đổ về nhà vườn các xã Phong Phú, Phú Lạc, Vĩnh Tân, Phước Thể mua táo rồi đưa đi tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Những chiếc xe máy chở táo đi lại tấp nập dọc con đường dẫn vào những vườn táo sai trái đang chờ tay người hái. Nông dân cũng bận rộn hơn cho lứa táo cuối mùa này.

9h sáng, anh Nguyễn Hai ở thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân cùng người làm công đang thoăn thoắt hái những trái táo kịp cho thương lái đến cân. Anh Hai trồng táo đã 20 năm nay với diện tích hơn 8 sào. Nhiều gốc táo trong vườn có kích thước lớn, cành cây được cắt tỉa một cách cẩn thận tạo ra những tán xòe hình nấm. Các cành nhỏ tỏa ra, nằm trên giàn thép và cứ thế bung hoa, kết trái căng mọng. Anh Hai cho hay, cây táo đã cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm, vườn cho thu hoạch 1 vụ với sản lượng mỗi vụ khoảng 1,5 tấn/sào. Với giá bán táo ổn định từ 15.000 – 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho gia đình một khoản thu nhập khá. Thời gian chăm sóc cho đến ngày hái trái là 6 tháng, táo đầu vụ vào khoảng tháng 4 - 5 thường cho trái rất to, người dân địa phương gọi là táo gió.

                
      
Vườn táo trùm màng lưới của    hộ anh Nguyễn Hai.

 “Trước đây, khi chưa làm nhà lưới năng suất giảm đi một nửa bởi côn trùng, ruồi vàng, nhất là thời điểm táo đầu vụ, trái to độ đường cao thường hút ruồi đến đục trái nhiều nhất”, anh Hai nói. Còn nhớ thời điểm năm 2019 khi chúng tôi đến một số vườn táo ở xã Phú Lạc, cả vườn phải bỏ trái vì ruồi đục trái. Khi ấy, số nhà vườn trồng táo áp dụng kỹ thuật bao lưới vườn táo chưa nhiều. Theo chia sẻ của nhiều nông dân, từ các mô hình thí điểm đầu tiên ở Ninh Thuận đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà vườn ở Tuy Phong tìm tòi học hỏi và áp dụng vào vườn táo của nhà mình. Với chi phí lắp đặt màng lưới khoảng 17 triệu đồng/sào, thời gian sử dụng từ 3 – 6 năm. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ đối với nhiều hộ. Thế nhưng với ưu điểm vượt trội là màng lưới giúp che chắn không cho côn trùng xâm nhập, từ đó giảm tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật sản xuất an toàn. Màng lưới cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào trái bảo quản trái không bị nám vỏ, sậm màu; che bớt sương muối, gió bấc làm gãy cành, rụng bông, trái...

Tại vườn táo khác ở xã Phong Phú, một nông dân so sánh: “Nếu trước đây, tôi phun thuốc 2 - 3 lần/tuần để hạn chế ruồi, thì nay khi bao lưới vườn táo chỉ phun thuốc sau mỗi đợt rớt trái để dưỡng cành, trái non và hạn chế nấm bệnh. Nhờ giảm lượng thuốc thực vật tối đa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn hơn so với trước đây nên người tiêu dùng ưa chuộng”. Việc áp dụng kỹ thuật trùm màng lưới vườn táo cho trái to, màu sắc đẹp, đồng đều, không có trái sâu được thương lái mua giá cao, thu nhập nông dân cũng khá hơn trước.

Cùng với cây nho, trôm, cây táo là cây trồng đặc thù của vùng nắng gió huyện Tuy Phong. Gần đây nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, đầu tư vào công nghệ sản xuất tăng năng suất, chất lượng trái nên giá bán cao, đầu ra ổn định đã nâng diện tích táo toàn huyện lên 50 ha. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong, hiện đã có một nửa diện tích trồng táo áp dụng kỹ thuật trùm màng lưới chống côn trùng. Đây được xem là một trong những biện pháp căn cơ, bài bản để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trùm màng lưới cho vườn táo