Tại trung tâm, các đối tượng bảo trợ xã hội khi tiếp nhận vào đều được khám sức khỏe ban đầu và khám bệnh định kỳ 2 lần/năm. Từ đó, sàng lọc và phân loại đối tượng để có kế hoạch chăm sóc phù hợp với từng nhóm bệnh. Riêng đối với người tâm thần lên cơn kích động nặng thì chuyển viện lên tuyến trên để điều trị kịp thời, cụ thể: Khoa tâm thần thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện thần kinh Trung ương II (Biên Hòa –Đồng Nai). Sau khi điều trị ổn định sức khỏe, trung tâm nhận về tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng. Bộ phận y tế cơ quan mở sổ theo dõi sức khỏe và cấp phát thuốc điều trị theo phác đồ đã được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Trường hợp bệnh không đáp ứng thuốc thì nhân viên y tế báo cáo bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp. Đồng thời trung tâm cũng kết hợp giữa điều trị bằng thuốc với phục hồi chức năng và lao động trị liệu, như: chơi thể thao, tổ chức lao động nhẹ, tập phục hồi chức năng, sinh hoạt văn nghệ… Trong quá trình nuôi dưỡng, nhân viên công tác xã hội thường xuyên tiếp xúc trò chuyện, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình để đối tượng ổn định về sức khỏe và tâm sinh lý, vui vẻ sống gắn bó với trung tâm hoặc hòa nhập với gia đình, cộng đồng nếu còn người thân thích. Đội ngũ nhân viên trung tâm thường xuyên kết nối thông tin với gia đình đối tượng về tình hình sức khỏe 2 lần/năm và vận động gia đình tiếp nhận đối tượng về chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng khi đối tượng đã ổn định về tâm lý và sức khỏe…
Tuy nhiên hiện nay, trung tâm đang gặp khó khăn trong việc trợ giúp người tâm thần hòa nhập cộng đồng. Hầu hết những người bệnh tâm thần không nhận được sự quan tâm thăm nom, động viên của người thân, họ hàng. Một số ít đối tượng có điều kiện hòa nhập cộng đồng lại thường xuyên trở bệnh rồi phải vào lại trung tâm do người thân không quan tâm đến việc duy trì cho người bệnh uống thuốc đúng theo phát đồ điều trị. Bên cạnh đó, người dân chưa quan tâm đến phòng ngừa bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí ngay từ đầu. Kỹ năng chăm sóc người bệnh tâm thần tại gia đình chưa được người dân biết đến, chủ yếu là chăm sóc, chưa chú trọng đến việc điều trị. Vì vậy, tỷ lệ hồi phục sức khỏe thấp, người bệnh dễ tái phát bệnh. Để cùng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ phía người thân, các ngành, các cấp; các tổ chức đoàn thể chính quyền trong việc phòng ngừa, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành lao động – TB&XH và ngành y tế trong việc tư vấn, kết nối, đưa công tác xã hội vào theo dõi, quản lý hỗ trợ người bệnh tâm thần tại cộng đồng…
K.Anh