Trung tâm điện quốc gia
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (TTĐL) hiện có 3 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) hoạt động gồm Vĩnh Tân (1, 2, 4) với 7 tổ máy, tổng công suất 4.284 MW, quy mô hàng đầu cả nước. Các nhà máy ở đây đều được chủ đầu tư công nghệ nhiệt điện hiện đại từ các nước phát triển, sử dụng than nhập ngoại hoặc pha trộn than trong nước, hạn chế phát thải, đáp ứng yêu cầu huy động từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) lên điện lưới quốc gia mọi thời điểm. Đến nay, 3 nhà máy trung tâm Vĩnh Tân hoạt động vận hành an toàn hòa mạng quốc gia hơn 100 tỷ kWh, đáp ứng nhu cầu phát triển khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, trong đó có Bình Thuận. Tổng sản lượng điện lớn ấy đã góp phần bù đắp đường dây truyền tải 500 kV vùng Đông Nam bộ vào những tháng mùa khô, nắng nóng kéo dài, thủy điện thiếu nước, nhu cầu điện sản xuất tăng cao trong những năm gần đây. Không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, 3 nhà máy TTĐL Vĩnh Tân tạo công ăn việc làm hơn 1.000 lao động địa phương, đóng góp ngân sách hàng năm cho tỉnh gần 2.000 tỷ đồng.
Kiến nghị điều chỉnh phí bảo vệ môi trường nước thải
Điển hình như NMNĐ Vĩnh Tân 4 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 3 tổ máy, tổng công suất 1.800 MW, thường được huy động công suất cao cho lưới điện quốc gia mùa nắng nóng. Trong quá trình hoạt động vận hành sản xuất điện hàng năm, nhà máy sử dụng khối lượng nước biển làm mát rất lớn. Đồng thời khối lượng nước tuần hoàn thải sau đó được làm mát đảm bảo quy chuẩn trước khi đưa vào mương thoát ra biển. Lâu nay, khối lượng nước thải trên đều được tính phí nước thải đối với nước thải công nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất điện. Tương tự, NMNĐ Vĩnh Tân 1 thuộc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, NMNĐ Vĩnh Tân 2 (Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân) cũng đều được tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như vậy.
Cách đây chưa lâu, trong buổi làm việc của Đoàn giám sát về môi trường của Quốc hội tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc NMNĐ Vĩnh Tân 4 đã đề đạt: “Kiến nghị Đoàn giám sát về môi trường của Quốc hội xem xét có ý kiến với bộ, ngành Trung ương điều chỉnh việc tính phí nước thải đối với nước thải công nghiệp của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Nhà máy đề nghị chỉ tính dựa trên phần chênh lệch giữa thông số đầu vào và thông số đầu ra của nước thải, nhưng vẫn đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định”. Ông Vũ Thanh Hải nêu cụ thể: “Tính từ quý I/2022 đến quý III/2023, NMNĐ Vĩnh Tân 4 đã nộp tổng số phí: 5.207.871.835 đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và nước làm mát. Nếu tính chênh lệch thông số đầu ra trừ thông số đầu vào, tổng số phí dự kiến nộp: 2.473.369.070 đồng. Số tiền chênh lệch: 2.734.502.765 đồng".
Trong khi đó, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cho rằng: “Những năm gần đây, giá thành đầu vào mọi thứ đều tăng như nguyên liệu than, làm tăng chi phí sản xuất. Nếu kiến nghị của các NMNĐ Vĩnh Tân về điều chỉnh việc tính phí nước thải đối với nước thải công nghiệp được bộ ngành chức năng xem xét, sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất điện”. Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát buổi làm việc đã ghi nhận kiến nghị của lãnh đạo các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, để kiến nghị vào các lần họp Quốc hội tới.
Trong diễn biến liên quan, mới đây, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường về thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Quốc Đạt, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên & Môi trường cũng cho rằng: “Lâu nay kiến nghị của các NMNĐ Vĩnh Tân cần lấy khối lượng nước đầu ra trừ nước đầu vào để tính phí nước thải hàng năm là hợp lý. Hiện tại, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đóng 5 - 7 tỷ đồng mỗi năm đối với phí nước thải công nghiệp này”. Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cũng đồng tình với ý kiến của đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường, để tổng hợp, kiến nghị tại Quốc hội.
Được biết trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cách tính phí nước thải công nghiệp hiện nay còn bất cập trong quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Các quy định này đang được thực hiện theo Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ, theo đó chưa có quy định về việc tính phí bảo vệ môi trường dựa trên phần chênh lệch giữa thông số đầu vào và thông số đầu ra. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp ý kiến của các nhà máy nhiệt điện, trong đó có Trung tâm điện lực Vĩnh Tân tại Bình Thuận, gửi Bộ Tài chính để nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, về cơ bản các địa phương đều nghiêm túc thực hiện và thu được kết quả nhất định, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu khi xây dựng nghị định; tuy nhiên, còn phát sinh một số vướng mắc cần được điều chỉnh.