Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương vùng biển tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đặc biệt, theo dõi, giám sát chặt chẽ nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Đã thống kê, đưa vào giám sát đặc biệt 113 tàu cá của tỉnh có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài. Hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động và phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay đã phát hiện, cảnh báo 32 trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Riêng từ ngày 12/5 - 12/9/2023, phát hiện, cảnh báo 22 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển. Nhờ vậy, ngoài vụ việc 1 tàu cá huyện Hàm Tân vi phạm vùng biển nước ngoài đầu năm 2023, đến nay chưa phát sinh thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm được tăng cường, đặt biệt là đã xử lý được 2 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tính răn đe. Quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và sản lượng qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản được quan tâm thực hiện, không để xảy ra tình trạng hồ sơ sai sót bị trả về...
Bên cạnh đó, đã hoàn thành tổng rà soát, thống kê tàu cá toàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý tàu cá vẫn còn nhiều bất cập. Qua rà soát, tổng số tàu cá “3 không” phát sinh chưa đăng ký tại thời điểm 15/8/2023 là 1.782 tàu cá, tăng 390 tàu cá so với báo cáo tháng 5/2023 (chưa bao gồm 118 tàu cá “3 số” do cấp huyện quản lý trước đây chưa đăng ký lại). Trong số tàu cá đã đăng ký có 879 tàu giấy phép khai thác hết hạn và 690 tàu đăng kiểm hết hạn. Một số địa phương cấp huyện để tàu cá chưa đăng ký chiếm tỷ lệ rất cao như: Hàm Thuận Nam (68,38%), Hàm Tân (93,95%). Ngoài ra, công tác phối hợp rà soát, cập nhật dữ liệu đăng ký, giấy phép khai thác, lắp đặt VMS của tỉnh trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đồng bộ, chưa khớp.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình tổng kiểm soát, thống kê tàu cá. Nguyên nhân do hầu hết tàu cá phát sinh đều không có giấy tờ nên khó khăn trong thực hiện đăng ký mới. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng chưa tăng cường giám sát, không nắm được số tàu cá thực tế trên địa bàn... Ngoài ra, đại diện Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng nêu khó khăn khi chưa có cơ sở để xử lý tàu cá BTH 96238 TS, huyện Hàm Tân vi phạm vùng biển nước ngoài đầu năm 2023; chưa thể xử lý 2 tàu mất kết nối VMS trên 10 ngày… Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng thông tin thêm: “Bình Thuận là một trong 4 điểm sẽ được Bộ NN&PTNT thành lập đoàn đến kiểm tra thời gian tới. Do đó, yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Nông nghiệp và PTNT lưu ý về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh”.
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải biểu dương những nỗ lực của các địa phương trong việc thống kê, rà soát tàu “3 không”. Tuy nhiên, nhiều địa phương bộc lộ hạn chế trong quản lý tàu cá, trong đó Hàm Thuận Nam, Hàm Tân là 2 địa phương có số tàu cá chưa đăng ký chiếm tỷ lệ rất cao. Do đó thời gian tới, đối với tàu “3 không” đã đăng ký, đăng kiểm, có giấy phép khai thác mà hết hạn, yêu cầu các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thành lập tổ chuyên ngành đến từng xã rà soát, hỗ trợ ngư dân thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và tập trung hoàn thành công tác này đến 30/9. Song song đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương có hướng xử lý những tàu cá không đăng ký để răn đe. Riêng đối với những nhóm tàu phát sinh mới, chưa đăng ký, Sở NN&PTNT cần tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 10/10.