Theo dõi trên

Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận: Bức tranh văn hóa đa sắc màu

03/05/2021, 09:46

BT- Năm nay, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, lượng khách đến Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tham quan, tìm hiểu nghiên cứu văn hóa Chăm tăng lên, đặc biệt trong dịp lễ 30/4.

                
Nghệ nhân biểu diễn cho hoạt động ngoại    khóa của học sinh.

Sẵn sàng đón khách tham quan

Những ngày này, khuôn viên Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình rộn ràng hơn bởi được tô điểm màu cờ đỏ thắm, pano rực rỡ và những đoàn khách ghé thăm. Trung tâm đã huy động viên chức, lao động dọn vệ sinh, chăm sóc cây cảnh xanh, sạch, đẹp trong khuôn viên nhằm đảm bảo công tác đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ khách tham quan. Khuôn viên sạch tinh tươm, những cây xanh được cắt tỉa tỉ mỉ tạo cảm giác dễ chịu. Đặc biệt, các phương án phòng chống dịch cũng được “kích hoạt”  trở lại thông qua việc bố trí sẵn nước rửa tay diệt khuẩn, dung dịch rửa tay khô sát khuẩn, khẩu trang ngay tại bàn thuyết minh đảm bảo công tác phòng dịch khi du khách đến tham quan. Trung tâm vừa đón đoàn khách hơn 500 người là học sinh, giáo viên Trường THPT Hàm Thuận Nam tổ chức Chương trình ngoại khóa tìm hiểu di sản văn hóa địa phương tại trung tâm. Đây là đoàn khách thứ 3 với quy mô số lượng lên đến 500 người tham quan, tìm hiểu tại trung tâm từ đầu năm 2021 đến nay. Ngoài ra, tính riêng trong tháng 3 gian trưng bày hiện vật và làng nghề gốm - dệt cũng đã thu hút được 330 lượt khách (1 khách Nga) đến tham quan, nghiên cứu, trong đó có đoàn Chi cục Thuế khu vực Bắc Bình - Tuy Phong, Viện Quy hoạch Trung ương, đoàn học sinh THPT Bắc Bình và một số khách vãng lai. “Trung tâm ngoài mời các nghệ nhân dệt, làm gốm trình diễn thì tổ thuyết minh cũng nỗ lực hết mình theo hướng chuyên nghiệp. Tất cả trực sẵn sàng phục vụ khách tham quan nghiên cứu suốt đại lễ 30/4”, anh Ức Viết Vòng – Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm cho hay.

 Nhiều hiện vật, cổ vật

Nằm trên đường quốc lộ 1A, hình dáng trung tâm mô phỏng theo kiến trúc tháp Chăm. Bên trong gian trưng bày các tượng thần Siva, vũ nữ Apsara, vua Po Rome, Po Anit… bằng nhiều chất liệu khác nhau như kim loại, gốm, mộc, vải... Ngoài ra, có hàng trăm hình ảnh mô tả, tái hiện lại những lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng người Chăm Bình Thuận. Anh Vòng cho biết thêm, đến năm 2020 trung tâm đã sưu tầm, trao đổi và đưa vào trưng bày giới thiệu hơn 1.000 hiện vật, cổ vật liên quan đến văn hóa Chăm. Điểm nhấn đáng chú ý của các hiện vật trưng bày tại trung tâm là những hiện vật, cổ vật gốc rất có giá trị về văn hóa của người Chăm đã được Hội đồng giám định cấp tỉnh thông qua như: Các hiện vật cổ phục vụ trong các nghi thức tôn giáo (có từ thế kỷ thứ VIII), các tượng Kút thờ với những hoa văn họa tiết độc đáo, nhiều cuốn thư tịch cổ có giá trị (thế kỷ XV đến XVII)… Đặc biệt, là bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm tại xã Phan Thanh (Bắc Bình) là bộ sưu tập duy nhất của người Chăm trên đất Bình Thuận, các đền tháp Chăm: Đền thờ Po Klong Mân nai thế kỷ XVII, Pô ANit thế kỷ XVII là điểm kết nối tour tham quan, nghiên cứu văn hóa Chăm.

Hiện nay, trung tâm có 4 nghệ nhân trình diễn nghề dệt thổ cẩm (xã Phan Hòa) và 3 nghệ nhân trình diễn nghề gốm truyền thống (xã Phan Hiệp) thường xuyên trình diễn phục vụ khách tham quan tại trung tâm. Biểu diễn ca múa, nhạc cụ truyền tham gia biểu diễn vào các dịp lễ Ka Tê, Tết Nguyên đán và dịp các đoàn khách tham quan có nhu cầu. Tất cả những bộ sưu tập hiện vật trên được trưng bày và các hoạt động văn hóa phi vật thể của trung tâm phản ánh được diện mạo, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Chăm Bình Thuận tạo nên một bức tranh văn hóa Chăm đa sắc màu, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và thu hút các du khách khám phá, tìm hiểu.

C.Tường



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận: Bức tranh văn hóa đa sắc màu