Từ câu chuyện này, trên các diễn đàn giáo viên đã nêu vấn đề: Nhà trường có nên bán bảo hiểm y tế hay không? Và nhận được rất nhiều ý kiến bình luận của các thầy cô giáo trong chuyện này.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nhà trường bán bảo hiểm y tế
Có ý kiến cho rằng, nhà trường là môi trường giáo dục, giáo viên có nhiệm vụ chính là giảng dạy nên không có nhiệm vụ bán bảo hiểm, đây là trách nhiệm của bên cơ quan bảo hiểm. Vì thế, cứ để học sinh mua bảo hiểm theo hộ gia đình ở các thôn, xã. Nếu muốn bán bảo hiểm y tế ở trường thì phía bảo hiểm nên cử nhân viên xuống trường trực tiếp bán.
Có ý kiến lại đồng tình với việc nhà trường triển khai bán bảo hiểm y tế. Bởi, bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng hàng đầu trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Bảo hiểm y tế là quy định bắt buộc đã được đưa vào luật định, không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm đảm bảo toàn dân đều được chăm lo sức khỏe. Vì thế, việc nhà trường kết hợp với phía bảo hiểm để đến gần người dân hơn không có gì là sai cả.
Khi triển khai bán bảo hiểm y tế tại trường, giáo viên sẽ có điều kiện làm tốt công tác tuyên truyền đến từng phụ huynh hơn để mỗi người đều hiểu rõ tầm quan trọng khi tham gia bảo hiểm y tế và tự nguyện tham gia.
Nhà trường bán bảo hiểm y tế không sai, chỉ sai khi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để phụ huynh chung tay mà dùng đủ biện pháp để ép buộc phụ huynh phải mua bảo hiểm mới gây nên bức xúc.
Trong thực tế, vẫn còn tình trạng trường học ép chỉ tiêu bán bảo hiểm y tế 100% xuống các lớp. Nếu giáo viên không hoàn thành chỉ tiêu, sẽ bị ảnh hưởng đến việc xét thi đua cuối năm học.
Trước sức ép của nhà trường, giáo viên đành gây sức ép xuống học sinh bằng nhiều cách như nhắc nhở, gọi tên, gọi điện thoại, gửi giấy mời về tận nhà các em làm một số phụ huynh bức xúc, thậm chí có thầy cô giáo phải móc hầu bao để mua bảo hiểm y tế cho một số học sinh trong lớp.
Giải pháp nào để phụ huynh đồng lòng mua bảo hiểm y tế cho con?
Giá tiền một bảo hiểm y tế học sinh thường ở mức 540 ngàn đồng/học sinh (một số em cao hơn vì tính 15 tháng). Với số tiền này, nhiều phụ huynh vẫn sẽ mua được. Tuy nhiên, một số phụ huynh không đồng ý tham gia mua bảo hiểm y tế chưa hẳn vì thiếu tiền. Bởi, học sinh nghèo đã có Nhà nước tặng bảo hiểm y tế. Học sinh cận nghèo đã được giảm trên 70% số tiền phải mua. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn đột xuất thường được cá nhân hảo tâm hoặc một số tổ chức từ thiện tặng bảo hiểm.
Phụ huynh chưa nhiệt tình tham gia bảo hiểm chủ yếu chưa hiểu rõ tầm quan trọng của bảo hiểm y tế, chưa lường trước được những rủi ro về bệnh tật có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì thế, giáo viên cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng phụ huynh.
Trong các cuộc họp đầu năm, khi có đông đủ phụ huynh của lớp, giáo viên nói rõ hơn về ích lợi của bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các thầy cô cần chuẩn bị những câu chuyện có thật liên quan đến bảo hiểm mà mình hoặc đồng nghiệp đã gặp trong quá trình giảng dạy để kể cho phụ huynh nghe.
Tuyệt đối nhà trường không nên áp chỉ tiêu phải thu bảo hiểm 100% cho giáo viên, không gây áp lực để buộc thầy cô phải trút gánh nặng ấy lên đầu học sinh.
Giáo viên phải kiên nhẫn thuyết phục phụ huynh một cách khéo léo, không nóng vội dễ gây mất thiện cảm.
Khi phụ huynh đã thông tư tưởng, chính họ sẽ tự nguyện đóng bảo hiểm mà không cần giáo viên phải nói nhiều.