Theo dõi trên

Trường hợp nào không được vay vốn theo Nghị định 67?

05/12/2017, 09:25

BT- Với mục tiêu phát triển nhanh ngành thủy sản kèm theo những hiệu quả bền vững, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67. Gần đây, có dư luận phản ảnh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bình Thuận không hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới tàu để khai thác xa bờ. Tìm hiểu về hoạt động của Ngân hàng Agribank chi nhánh tại Bình Thuận trong việc hỗ trợ ngư dân vay vốn theo Nghị định của chính phủ, chúng tôi được biết, tính đến tháng 10/2017, ngân hàng đã cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 để đóng mới và nâng cấp 101 tàu. Trong đó có 75 tàu từ 400 – 800 CV, 26 tàu trên 800CV. Những dự án vay vốn được thực hiện chủ yếu tại huyện đảo Phú Quý với tổng dư nợ cho vay đạt 744,8 tỷ đồng.

                
   Tàu Thanh Lâm ký hiệu số 97679.

Khi cho vay vốn để đóng 1 tàu vỏ thép theo Nghị định 67, tiền vốn của ngân hàng chiếm tỷ lệ gần hết giá trị của con tàu, vốn của khách hàng chỉ chiếm khoảng 5% nên dễ gây tâm lý chủ quan, và khi có sự cố xảy ra, rủi ro mà ngành ngân hàng phải chịu là rất lớn. Đơn cử một số trường hợp mà khách hàng không thực hiện đúng cam kết khi vay vốn như không xâm phạm lãnh hải nước ngoài, hành nghề trái với nghề đã đăng ký, do đó khi bị sự cố ngành bảo hiểm không thanh toán, ngân hàng khó thu hồi nợ như 2 trường hợp ở huyện đảo Phú Quý là ông Võ Văn Điệp (dư nợ 5.150 triệu đồng) và ông Lê Nguyên Thông (dư nợ 5.000 triệu đồng). Hai tàu này xâm phạm lãnh hải và bị Singapore bắt giữ, nay đã thả về nhưng UBND tỉnh đã loại khỏi danh sách hỗ trợ dầu theo Quyết định 48.

Tàu của bà Nguyễn Thị Kính ở thị xã La Gi khi hành nghề câu khơi đã bị cơ quan chức năng Indonesia thu giữ từ năm 2016 và có khả năng không được trả về vì nước này thường giữ luôn tàu. Tàu này đang có số dư nợ 3.751 triệu đồng, xếp loại nợ nhóm 3. Tàu thép của Công ty TNHH TM Hoàng Phúc (huyện Phú Quý) dư nợ 17.858 triệu đồng, tàu bị chìm khi cho thuê tàu để vận chuyển hàng hóa ra Trường Sa, do sử dụng không đúng chức năng nên bảo hiểm không thanh toán.

Do số vốn ngân hàng bỏ ra quá lớn, tính rủi ro cao, nên khâu thẩm định để xét duyệt hồ sơ xin vay vốn phải chặt chẽ, đúng quy định. Chúng tôi tìm hiểu về dư luận một số trường hợp không được ngân hàng cho vay vốn và được biết: Khách hàng Đỗ Đức Minh (Phú Quý) dự toán xin vay lúc đầu là 8 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 15,6 tỷ đồng. Sau khi thẩm định, ngân hàng nhận thấy một số điều không hợp lý như giá thiết bị, máy móc được đẩy lên quá cao, tàu đăng ký hành nghề mành chụp nhưng trang thiết bị dự toán lại giống như tàu thu mua… Chi nhánh Agribank huyện Phú Quý đã làm việc với ông Minh để điều chỉnh lại cho phù hợp, nhưng khách hàng đã tự bỏ vốn để đóng tàu. Căn cứ vào điểm 2, điều 2 của Nghị định 67 (vay để đóng mới, nâng cấp công suất tàu, không bao gồm các trường hợp đang đóng hoặc mua lại tàu cá mới) thì ông Minh không nằm trong diện về đối tượng cho vay. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đảnh cũng không nằm trong danh sách các khách hàng được UBND tỉnh phê duyệt cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Trường hợp của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm do ông Ngô Thanh Lâm đại diện pháp nhân không được vay vốn cũng gây nhiều hiểu lầm. Thực tế hiện nay công ty này còn nợ ngân hàng số tiền 7.590 triệu đồng qua 3 hợp đồng vay thông thường để đóng tàu vào các năm 2008, 2009 và 2012. Có khoản vay ngân hàng đã chuyển qua nợ xấu nhóm 3. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị  định 67 vào năm 2014, đầu năm 2017, công ty đã làm đơn xin vay vốn theo nghị định này, nhưng tên tàu EU- Thanh Lâm và số đăng ký BTh 97679 –TS lại chính là chiếc tàu đang được thế chấp tại ngân hàng ở 2 hợp đồng vay vốn trước đó. Tại thời điểm nhận hồ sơ, còn tàu trên đã hoàn thành trên 80% và đã có giấy đăng ký tàu cá. Đúng ra chủ tàu phải sớm đưa tàu vào hoạt động để tạo thu nhập và trả nợ vay ngân hàng, vì ngân hàng không thể giải quyết cho chủ tàu vay tiếp do tàu không đủ điều kiện vay theo Nghị định 67 của Chính phủ.

    
      Tính đến nay, Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Thuận là ngân hàng duy   nhất trong tỉnh cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đây   cũng là một trong những chi nhánh có số tàu cho vay theo Nghị định 67   lớn nhất trong hệ thống cả nước. Một số cơ quan truyền thông khi tiếp   cận thông tin chỉ biết có trường hợp không được vay nhưng không biết lý   do vì sao họ không được vay, vội đưa tin không chính xác gây hoang mang   dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.                 

HẢi Âu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường hợp nào không được vay vốn theo Nghị định 67?