Theo dõi trên

Trường Tình Thương, suối nguồn yêu thương

02/09/2017, 09:02

BT- Những ngày này cách đây vừa tròn 20 năm, Trường Tình Thương ra đời từ đề án do Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Bình Thuận khi ấy, chị Nguyễn Thị Thanh Hải, xây dựng.

                
   Nhân viên Hair salon Đạt cắt tóc miễn    phí cho học sinh của trường.

Ngôi trường và những tấm lòng

Vẫn trên nền của một lớp học trước đây cũng dạy các cháu lang thang cơ nhỡ do cô giáo Đỗ Thị Lan phụ trách, trường Tình Thương với một phòng học duy nhất hình thành. Vượt qua khó khăn từng chút một, những người sáng lập và các thầy cô giáo tâm huyết với ngôi trường đặc biệt trực thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội đã từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất như hiện trạng. Hiện nay, ngoài ngân sách nhà nước đảm bảo cho các em các khoản như sách giáo khoa, đồ dùng học tập, học phẩm, học bổng và một số khoản hỗ trợ sinh hoạt khác theo quy định, học sinhtrường Tình Thương luôn sống trong tình thương yêu của cộng đồng.

Cũng theo chị Thanh Hải, năm 1997 trường Tình Thương ra đời bằng một phần kinh phí nhà nước, phần còn lại, hơn 120 triệu đồng là từ lòng hảo tâm của vị sư trụ trì một ngôi chùa tại quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Với mục đích tốt đẹp là giúp trẻ em  không may có thể đi học một buổi, một buổi mưu sinh. Trường hoạt động được vài năm, do tiếng lành của nó, nên được nhiều người biết, chung tay hỗ trợ để trường tốt hơn.  Điều ấy làm ấm lòng người góp công hình thành ra ngôi trường lúc ban đầu. Vì vậy, dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng chị Thanh Hải vẫn còn nhiều mối quan hệ với trường. Gần đây nhất, chị đưa các em đến giao lưu cùng các nghệ sĩ đoàn hợp xướng hưu trí Hàn Quốc ở khách sạn Aroma, Hàm Tiến. Các em được sống những giây phút thoải mái và chan hòa tình cảm, được dùng tiệc buffet…Chị Thanh Hải tâm sự: “Thấy trường hiện vẫn đi theo đúng mục đích ban đầu, tôi rất mừng. Tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các em trong khả năng có thể để các em phần nào vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống, nở nụ cười nhiều hơn như tuổi thơ của các em vốn thế”.

Còn phải kể đến sự quan tâm của thầy và tròtrường THPT Phan Bội Châu với những phần quà bánh và đặc biệt là những chiếc lồng đèn Trung thu dành cho học trò trường Tìnhthương. Sau đó,trường Tình Thương lại có cơ hội được biết đến nhiều hơn khi Hoàng Vũ Plaza tặng lồng đèn con, Bảo Việt nhân thọ tặng lồng đèn lớn và học sinh toàn trường  vui sướng tham gia lễ hội rước đèn cùng bao bè bạn khác. Hội Phụ nữ Công an tỉnh và một số phòng, ban Công an tỉnh cũng thường xuyên tặng những phần quà thiết thực cho trường… Và, 3 năm trở lại đây, DNTN vận tải Trung Nga cũng là một mạnh thường quân với hàng chục chiếc xe đạp tặng các em mỗi năm. Một trong những nhà tài trợ nhiều năm của trường là chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, chủ doanh nghiệp xăng dầu Hồng Lợi, với những suất quà rất đa dạng như bánh mì cho học sinh ăn khi đi dã ngoại, đồng phục, cặp vở đầu năm học mới, gạo, những suất học bổng…Chị Thúy Hồng cho biết, cách đây gần 10 năm, trong một lần đi ngang, thấy tên trường khá lạ nên ghé vào hỏi thăm. Khi biết được hoàn cảnh học sinh, chị nhủ lòng phải thường xuyên đến thăm, giúp đỡ các em. 

Không chỉ những người khá giả, có những chị rất nghèo, nhưng tình thương dành cho các em thì tràn đầy. Chị bán nước mía ở gần trường là một ví dụ. Một lần đến xin học cho cháu, chị nghe kể về những khó khăn, thiếu thốn của học trò, sau đó, không chỉ tự mình giúp các em, chị còn kể chuyện các em cho một người bán đậu hũ là bạn của mình nghe. Thế là, các em  lại có thêm một người giúp đỡ. Đến nay, chị bán đậu hũ   đã 3 lần gánh đậu hũ vào trường, đợi các em ra chơi cho các em ăn. Cô Tân, giáo viên của trường, không kiềm được xúc động khi kể lại chuyện ấy: “Tôi nhớ  lần đầu chị ấy gánh đậu hũ tới. Với nhiều em, chắc đó là lần đầu trong đời được ăn đậu hũ nên háo hức lắm! Tôi cũng chứng kiến cảnh một phụ nữ dáng lam lũ, đeo khẩu trang, dắt chiếc xe đạp cũ màu xanh lá, ngập ngừng bước vào trường, đề nghị tặng cho em nào đó nhà xa, thường xuyên đi bộ…”. 

Câu chuyện hôm nay

Hôm tôi đến thăm trường, còn được trông thấy cảnh một nhóm học sinh đang được vài thanh niên nam nữ cắt tóc. Hỏi ra mới biết, anh Dương Minh Nhật, chủ nhân Hair salon Đạt và Salon Nhật Tokyo đã vài lần đến đây cùng các bạn thợ trẻ để cắt tóc miễn phí cho học trò. Anh Nhật tâm sự: “Tôi có cùng hoàn cảnh mồ côi với các em nên khi biết được ngôi trường đặc biệt này, tôi dặn lòng phải chung tay giúp được gì cho các em thì giúp. Các học trò của tôi cũng rất hào hứng với công việc ý nghĩa này”.

Cũng không thể không kể đến cái lần các em được chiêu đãi một bữa no mắt, ngon miệng khi Lotte Cinema mời học sinh toàn trường đến xem phim miễn phí. Lần đầu được đi dạo trong một không gian với cơ man nào là hàng hóa của Lotte Mart, những đôi mắt vốn u buồn bỗng linh hoạt hẳn lên, gương mặt rạng ngời. Một bữa ăn miễn phí ngay sau đó càng làm cho các bé thêm ấm lòng với những sự quan tâm chu đáo.

Còn nhiều lắm những việc làm bình dị nhưng ấm áp của các tập thể cá nhân như anh Tính (Công ty Tín Thành), sư thầy Thích Như Giáo chùa Pháp Diên, thầy Vũ Hùng đại diện nhóm thiện nguyện “Chung tay nâng bước ngày mai”, những khách vãng lai, những người đi đường ngang qua trường… Những tấm lòng ấy có khi chỉ là vài tấm bánh, vài cây kẹo hoặc chỉ là những trò chơi, những lần dạy hát, sinh hoạt tập thể… nhưng trên hết là cách nghĩ, cách cảm thông và thể hiện thành nghĩa cử với những học trò côi cút, tật nguyền, gia cảnh khốn khó…

Những số phận                                                                                  

Hầu như học sinh của trường em nào cũng có những số phận thật buồn!

Nguyễn Thị Minh Thư tuy đã 8 tuổi nhưng trông như vừa qua tuổi mẫu giáo với thân hình thấp còi, ốm yếu. Ba Thư bỏ mấy mẹ con Thư ở chốn trần gian cách đây hơn 2 năm. Mẹ làm thuê, thu nhập chỉ đủ mấy mẹ con qua ngày. Vì vậy, cả 3 anh chị em Thư đều là học trường Tình Thương.  Đó là bé Nguyễn Trương Thanh Khang, 8 tuổi ngơ ngác níu tay tôi, ba con là ai, hả cô? Giống như hoàn cảnh Thư, mẹ Khang cũng đang một mình gồng gánh cả gia đình 5 miệng ăn bằng nghề vá, mạng quần áo với thu nhập phập phù, ngày có ngày không.

 Đó là Hoa, là Hậu, 2 trong số 12 đứa con của ông Nguyễn Tháiphong ở KP3, phường Xuân An. Nhà nghèo và đông con nheo nhóc, nên  các con của ông đều học Trường Tình Thương vì “học trường ngoài thì không đủ tiền”. 

Nối dài yêu thương

Hiện biên chế của trường gồm 8 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cô giáo Lê Thị Tân cho biết, ở các trường học khác, nếu học sinh ốm, giáo viên chỉ cần gọi người nhà đến đưa về nhưng ở trường Tình Thương, giáo viên phải chở các em đi bệnh viện vì cha mẹ thường đi làm xa. Có khi phải cho tiền để các em mua thuốc theo đơn của bác sĩ hoặc phải năn nỉ hiệu thuốc tặng thuốc miễn phí cho các em vì cô biết có mang toa về nhà thì gia đình cũng để đó vì làm gì có tiền mua. Đối với các em còn quá bé, nhà xa, thầy cô thường xuyên chở về tận nhà.  “Với chúng tôi, dạy ởtrường Tình Thương không có khái niệm ngày nghỉ. Còn cô giáo Đỗ Thị Hạnh thì nói: Nhà các em ở ngõ ngách nào, thầy cô cũng lui tới không ít lần để tường tận hoàn cảnh từng em và cũng để  tìm cách giúp đỡ trực tiếp.

“Nếu trường được cơi nới thêm trên nền cơ sở cũ hoặc được chuyển sang một cơ sở mới khang trang, rộng rãi hơn là mong muốn của tất cả thầy trò chúng tôi, bởi học sinh của trường mỗi ngày một đông”, thầy Lê Thanh Hoàng,phó hiệu trưởng phụ tráchtrường Tình Thương, cho biết.

Vì vậy, trường Tình Thương vẫn cần lắm sự chung tay góp sức của cộng đồng và những tấm lòng từ tâm để  vẫn là  nôi ấm, nơi trang bị những kiến thức ban đầu đối với những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn. 

Ký sự: Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Tình Thương, suối nguồn yêu thương