Tham gia lớp học có 20 học viên do 5 nghệ nhân ở địa phương truyền dạy, hướng dẫn. Thời gian học từ ngày 13 -22/11. Đây là nội dung trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Xuân Phong-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Dân ca, dân vũ, dân nhạc được coi là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng tâm linh và sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người K’ho nói riêng. Từ thuở xưa đến nay, dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn liền với các lễ nghi, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, đám cưới, đám tang của gia đình, dòng họ và cộng đồng người K’ho.
Các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc K’ho ở Đông Giang trước đây rất phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, cũng giống như các dân tộc khác, nghệ thuật trình diễn dân gian của người K’ho được lưu truyền từ đời này qua đời khác chủ yếu bằng truyền miệng và thực hành diễn xướng trong cộng đồng. Trải qua thời gian, năm tháng, do điều kiện cuộc sống, phương thức sản xuất có nhiều thay đổi; quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc anh em và thiếu sự quan tâm đúng mức trong việc gìn giữ, trao truyền nghệ thuật trình diễn dân gian giữa các thế hệ nghệ nhân, bậc ông cha đi trước cho thế hệ con cháu đi sau nên nhiều bài diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào K’ho đã bị quên lãng và mất dần theo thời gian. Đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay ít có người biết các điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình.
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh mong muốn các nghệ nhân và học viên sau khi kết thúc lớp truyền dạy sẽ tiếp tục thực hành và học hỏi vốn dân ca, dân vũ, dân nhạc của ông bà, tổ tiên lưu truyền lại.