Theo dõi trên

Tự hào về Đảng, con người Việt Nam

16/09/2021, 08:43

Bài 1: Sáng ngời tinh thần vì cộng đồng, dân tộc

BT- Dân tộc Việt Nam có nhiều giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp. Trên hết, đó là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí kiên cường, bất khuất. Những truyền thống quý báu ấy đã trở thành nguồn lực nội sinh song hành cùng dòng chảy phát triển của đất nước. Khi đất nước khó khăn, khi đồng bào gặp thiên tai, hoạn nạn cũng là lúc những truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy lại bật ra mạnh mẽ như một lẽ tự nhiên nhất.

Y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa An Phước ra quân chung tay phòng chống dịch Covid-19 cùng TP. Hồ Chí Minh.

Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tạo nên bản thiên anh hùng ca về lòng yêu nước nồng nàn. Chính lòng yêu nước ấy đã lập nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đánh bại những đội quân hùng mạnh nhất thế giới để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết. Gần đây nhất là Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy cũng ban hành Chương trình hành động, trong đó xác định những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Nghị quyết 33. Qua đánh giá, Tỉnh ủy khẳng định: Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh giữ vững truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết. Tình làng nghĩa xóm, giúp nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo được duy trì và mở rộng. Đức tính cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường được phát huy. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, điển hình tốt trên nhiều lĩnh vực, qua đó đã khơi dậy, vun đắp truyền thống văn hóa, tính cách tốt đẹp của người Bình Thuận.

Giờ đây, trước tác động của dịch Covid-19, chúng ta càng tự hào, xúc động khi được thấy rõ và hiểu hơn nghĩa tình đồng bào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau của những con người với nhau trong xã hội. Trường hợp của bà Lê Thị Lập, ngụ khu phố 6, phường Tân An, thị xã La Gi là một minh chứng. Bà Lập nay đã 78 tuổi, kinh tế chẳng dư dả gì, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Dù vậy, với tinh thần nhường cơm sẻ áo, bà đã đạp xe đến Kho bạc Nhà nước thị xã để ủng hộ 10 triệu đồng vào Quỹ phòng chống dịch Covid-19 từ tiền tiết kiệm của mình. Hay ở Tánh Linh có ông Võ Quý, ngụ thôn 3, xã Đức Bình đã hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng chống dịch Covid-19” của địa phương bằng việc làm rất ý nghĩa. Ông đã lấy 30 triệu đồng của mình để ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 huyện Tánh Linh. Đây là số tiền mà các con tặng ông Quý để dưỡng già. Cùng với suy  nghĩ mong được góp sức mình cho quê hương, chị Nguyễn Trần Hồ Thanh Xuân (25 tuổi, ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi) – một F0 sau khi được y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Khu vực La Gi điều trị khỏi bệnh đã tình nguyện xin ở lại bệnh viện để cùng các nhân viên y tế chăm sóc cho những F0 khác. Mới đây, hình ảnh các chị em ở xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) cùng nhau phân loại rau, cá giữa trời mưa để mong kịp gửi đến người dân trong khu vực cách ly y tế khiến nhiều người không khỏi xúc động.

 Thiêng liêng 2 tiếng đồng bào

Còn nhớ tháng 5/2021, khi dịch bệnh ở tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phía Bắc phức tạp, cả nước lập tức ra sức giúp đỡ, khẩn trương hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân viên y tế, sinh viên ngành y... đã xung phong, viết đơn tình nguyện lên đường vào tâm dịch cùng chống “giặc” Covid-19. Hiện nay, các tỉnh miền Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đối diện với những khó khăn chồng chất bởi đại dịch, thì các ngành, địa phương phía Bắc cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước lại hướng về miền Nam ruột thịt như một lẽ tự nhiên.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà cho Ban Quản lý Khu cách ly tập trung tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Tánh Linh.

Hòa cùng tinh thần sẻ chia ấy, tháng 7/2021, Bình Thuận cũng tổ chức chuyến hàng chở 4 tấn cá khô, 4 tấn cá bóp tươi; hơn 7.000 lít nước mắm tứ tuyệt, tam tài; 10 tấn thanh long tươi, 500 kg thanh long sấy... mang tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương trong niềm xúc động. Từ đó đến nay, những chuyến xe thiện nguyện đong đầy nghĩa đồng bào của đông đảo người dân, doanh nghiệp Bình Thuận lại nối đuôi nhau vào tiếp sức cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn. Nhiều y, bác sĩ ở Bình Thuận cũng tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh để cùng chống dịch. Dù còn bộn bề khó khăn, song với tất cả lòng bao dung, tình cảm và trách nhiệm, Tỉnh ủy đã chủ trương phải đón người Bình Thuận về quê tránh dịch. Trên tinh thần ấy, đến nay các ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được 4 đợt đón 1.200 người con đang sống, làm việc ở TP. Hồ Chí Minh hồi hương chu đáo, an toàn.

Đầu tháng 9/2021, TP. Phan Thiết tổ chức cấp phát gạo cho người dân đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Dù vậy, rất nhiều người đã xin không nhận gạo để nhường cho những trường hợp khó khăn hơn. Ở các chốt kiểm soát dịch hoặc khu dân cư bị phong tỏa, hình ảnh tặng nhau những chiếc khẩu trang, chai nước, vài quả chuối hay chia nhau bó rau, con cá, mớ thịt, củ khoai đã trở nên quen thuộc. Và còn hàng ngàn hành động tương thân tương ái giữa những con người với nhau như thế đã và đang diễn ra trong cuộc sống đời thường. Được biết, trong đợt dịch lần thứ 4 này, tính đến ngày 9/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận hơn 53,4 tỷ đồng, cùng rất nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, hàng chục tấn rau quả từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Với tôi, tất cả những đóng góp, sẻ chia ấy dù lớn hay nhỏ, dù bằng hình thức nào cũng đều để lại dấu ấn đẹp, chứa đựng tình cảm, khí phách của người Bình Thuận và của dân tộc Việt Nam.

HỮU PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự hào về Đảng, con người Việt Nam