Vợ chồng bà Minh có cơ ngơi nhà cửa tại khu dân cư Nguyễn Thái Học, khu phố 9, phường Tân An, thị xã La Gi. Bà Minh trước nay kinh doanh gạo, gia đình có xe từ 4 đến 12 chỗ để cho thuê và chạy hợp đồng. Bà con tiểu thương buôn bán tại chợ Tân An và nhiều vùng lân cận tin tưởng vào cơ ngơi tài sản của bà nên rủ nhau nhập đường huê khá đông. Thời gian dài bà Minh đã rất uy tín trong chuyện tiền nong.
Sự việc bắt đầu từ chiều 23/2/2016, nhiều người có tham gia huê hụi thấy có dấu hiệu bất thường nên rủ nhau đến tận nhà để biết thực hư. Và một thực tế nhà cửa đóng kín, nhìn vào không thấy xe cộ, gọi cửa không có người, điện thoại cho chồng bà thì ông nói đang lái xe ở miền Trung. Vậy là tin bà Minh ôm huê hụi bỏ trốn đã nhanh chóng loan truyền trong toàn thị xã. Số người cứ thế tiếp tục ùn ùn kéo đến. Đến sáng hôm sau thì tin đồn lên đỉnh điểm, nhiều bà con tiểu thương buôn bán ở chợ Tân An hay tin đã khóc lịm. Chị A. buôn bán trái cây, sản nghiệp có bao nhiêu đều đổ vào mấy dây huê với hy vọng kiếm được tiền lãi để nuôi con, nhưng bây giờ thì hết, 150 triệu đồng coi như không cánh mà bay. Chị L. cũng buôn bán tại chợ Tân An, chồng lái xe chở thuê, dành dụm cả đời được mấy chục triệu đồng cũng mất trắng. Cùng với cảnh ngộ của chị A. chị L, hàng chục bà con tiểu thương chợ Tân An cũng bị mất với số tiền tương đối lớn, người vài chục triệu, thậm chí trăm triệu đồng. Đó là con số ở chợ còn lan rộng ra trong và ngoài địa phương Tân An con số có thể lên rất cao. Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác minh việc vắng mặt bất thường của bà Minh và lấy lời khai nhằm biết rõ số người bị hại, số tiền bị lường gạt, quy mô đường dây huê hụi.
Vụ bể huê hụi lần này cũng chỉ là sự tái hiện nguyên bản cách đây 4 năm, khi một doanh nghiệp lớn ở Phước Hội, lường gạt chiếm đoạt trên mấy chục tỷ đồng. Sự việc kết thúc bà vào tù, nhưng hệ quả với nhiều người thì vô cùng.
Hầu hết các chủ hụi lớn, trước khi bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ, họ đều tính toán rất kỹ. Họ dùng vốn huy động được chuyển giao cho con cái mua sắm nhà đất, tài sản ở các nơi khác. Số còn lại họ chỉ sắm chút tài sản “gọi là” để khi biến cố lấy ra cấn trừ với cái giá thật cao. Có còn hơn không, người bị hại muốn hay không muốn cũng phải chấp nhận sự cấn trừ ấy. Chị H. ở phường Tân An nói với tôi trước đây chị bị giật hụi mất 50 triệu đồng, cấn trừ lấy tài sản chừng 20 triệu đồng nhưng như vậy cũng quý rồi. Chị M. bán rau me hành ớt dính 8 triệu đồng, nhanh tay, nên vớt vát được ít xoong nồi...
Quả thật những khoản lợi nhuận từ tiền đẻ ra tiền nó có sức cuốn hút lạ thường. Đã thấy sờ sờ trước mắt những vụ bể huê hụi, đã một hai lần bị gạt nợ, nhưng rồi nhiều người vẫn cứ lao vào huê hụi, lao vào gởi tiền để hưởng lãi suất cao. Biết rõ tâm lý này, những trùm “kinh doanh” huê hụi không ngần ngại bỏ ra số vốn ban đầu kha khá để xây nhà, mở tiệm, đánh bóng tên tuổi, tạo uy tín trong làm ăn. Mới đầu ai gởi tiền đều được trả lãi suất đúng kỳ hạn, ai hốt huê, một hai ngày đã được chung đủ. Cứ thế, họ từ từ giăng bẫy, đến lúc chín muồi, vốn đã vào tay khấm khá, họ tuyên bố vỡ nợ. Thực ra trong số các con hụi, cũng có người sau khi hốt hụi xong đánh bài chuồn.
Đối với chị em tiểu thương buôn bán ở chợ, việc tham gia huê hụi hoặc vay nóng gần như là con đường trói buộc. Do thiếu vốn, do bán buôn lỗ lã… các chị em đành phải chơi huê, vay nóng để có đồng tiền đắp đổi. Khảo sát ở một chợ trung bình tại phường Tân An, thị xã La Gi, có trên 90% người buôn bán ở chợ tham gia huê hụi. Chị T. cho biết: “Không huê, không hụi lấy vốn đâu ra. Mình vốn ít, người mua thì thứ gì cũng gối đầu, không vay nóng, không huê hụi lấy tiền đâu ra xoay xở”. Từ nhu cầu có thật ấy đã sinh ra thêm “cái nghề” thu hụi chết.
Huê hụi, bản chất vốn dĩ của nó là cùng nhau góp vốn, tạo điều kiện cho nhau để làm ăn. Nhưng trong thực tế sự lạm dụng huê hụi để chiếm đọat, lường gạt tiền của người khác đã ngày càng nghiêm trọng, tạo nên sự nhức nhối, bức xúc trong xã hội.
Gia Linh