Hòa bình lập lại mấy năm, một lần chuẩn bị đón tết cổ truyền, Bác Hồ đóng vai già làng từ quê ra phố, đi chợ tết sắm đồ cúng tổ tiên. Đến quầy hàng mậu dịch bán cam, bánh kẹo trong khu chợ Đồng Xuân, dừng lại trước quầy bán cam, già làng lên tiếng:
- Cô bán cho già một quả cam về bày bàn thờ cúng ông bà.
Cô bán cam không thèm ngước nhìn cụ già mua cam, hất hàm:
- Mua một quả, không bán!
Bác năn nỉ, cô mậu dịch vẫn không bán còn có vẻ khó chịu. Vài lần nhắc lại chuyện này Bác không quên phê bình ngành nội thương, chăm lo tết cho người nghèo chưa chu đáo. Nghèo thì người ta chỉ mua một quả cam, sao nỡ từ chối mà thái độ người bán hàng lại có vẻ xa cách vời vợi.
Hình ảnh đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trong lòng dân, nhất là lúc đất nước có giặc, dịch bệnh và thiên tai. Tháng 12 năm 2021, kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, người ta kể lại vài giai thoại tướng cõng lính qua suối có phần thi vị, mang tính giáo dục sâu sắc.
Chuyện rằng, năm 1951 khi tướng Nguyễn Chí Thanh vừa được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hòa Bình. Trên đường hành quân, phải lội qua một con suối, ai cũng xắn quần lội qua. Có một cán bộ đang loay hoay với đôi giày vì sợ ướt thì thấy một người trạc tuổi chưa đến bốn mươi, da ngăm đen, khỏe mạnh, mặc bộ quần áo nâu bạc đi qua. Cán bộ này nghĩ, chắc rằng anh này là một bác nông dân, bèn gọi lại:
- Ông bạn ơi, chịu khó cõng mình qua suối một tý.
Người đó không tỏ ra khó chịu mà vui vẻ nhận lời, xắn quần ghé lưng và cẩn thận cõng anh cán bộ qua suối. Sang đến bờ bên kia, anh cán bộ phấn khởi vỗ vai người đã giúp đỡ mình, định nói lời cảm ơn. Nhưng bỗng thấy người đó nghiêm mặt lại, giọng miền Trung nghiêm khắc:
- Cậu có biết tớ là ai không?
Anh cán bộ chưa kịp định thần vì câu hỏi bất ngờ thì người đó nói tiếp:
- Tớ là Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Anh cán bộ quân đội kia nhận ra Nguyễn Chí Thanh thì vô cùng hoảng hốt, lo sợ bị kỷ luật. Nhưng vị Đại tướng liền mỉm cười, khẽ vỗ vai anh cán bộ và ôn tồn nói:
- Hôm nay tớ giúp cậu vì xét ra cậu cũng cần giúp nhưng nhớ lần sau không bắt người dân cõng như thế nữa.
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một lần hành quân trên đường Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên, tư lệnh binh đoàn Trường Sơn lúc đó còn rất trẻ cũng gặp tình huống tương tự. Tướng Đồng Sỹ Nguyên đóng vai bộ đội hành quân để hiểu thêm cuộc sống gian khổ của người lính ra trận. Một cán bộ cấp tiểu đoàn trên đường hành quân, ngại lội suối, sợ ướt do mưa nguồn đã vô tình nhờ tướng Đồng Sỹ Nguyên vóc dáng cao lớn cõng. Anh cán bộ này còn nhờ ông mang giúp bao tượng gạo. Tướng Đồng Sỹ Nguyên vui vẻ cõng và mang giúp, ông làm việc đó ngon ơ. Hành quân được khoảng vài trăm mét, vị cán bộ tiểu đoàn nọ ngờ ngợ và phát hiện người cõng và mang bao gạo cho mình là vị tướng tư lệnh binh đoàn. Anh ta sợ hãi đến quỳ trước mặt vị tướng lừng danh:
- Em có tội và thành thật xin được thủ trưởng tha tội!
Tướng Đồng Sỹ Nguyên nghiêm nét mặt:
- Cậu to khỏe mà né tránh ngại lội suối, không chịu mang vác bằng anh em. Tôi sẽ hạ cấp làm gương cho bộ đội! Tối hôm đó cán bộ nọ nhận án kỷ luật.
Những mẩu chuyện như vừa kể tuy xảy ra đã lâu, nhưng ngày nay vẫn nguyên giá trị. Chăm lo tết cho người nghèo, cần lắm thay. Tính kỷ luật, gương mẫu, rèn sức dẻo dai, không ngại gian khổ của bộ đội Cụ Hồ luôn được đặt lên hàng đầu. Và không phải chỉ trong quân ngũ, cả lĩnh vực dân sự - đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra - mọi cán bộ bất kỳ chức vụ to hay nhỏ, quân chính hay dân chính đều phải rèn đức luyện tài, đặt kỷ luật lên hàng đầu, đồng cam cộng khổ, sướng cùng hưởng, khổ cùng chịu, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.