Theo dõi trên

Tuy Phong: Hiệu quả nuôi dê Boer ngoại nhập

30/03/2021, 10:10

BT- Các mô hình chăn nuôi gia súc lớn như bò, dê, cừu… được nhiều người dân ở Tuy Phong áp dụng cho hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, hiện nay việc đưa vào giống dê Boer ngoại nhập, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vừa cải tạo giống, tăng thu nhập cho nông dân.

                
Đàn dê con Boer của gia đình anh Hùng.

Sau 1 ngày chăn thả ở các triền núi, chiều đến anh Biện Như Hùng ở thôn Tuy Tịnh 2 - xã Phong Phú lùa đàn dê 60 con về chuồng.  Thấy tôi tò mò quan sát những con dê trưởng thành ngoại hình khỏe mạnh, bộ lông màu trắng lẫn màu cà phê đẹp mắt. Anh Hùng nói: “Đó là giống dê Boer, Nhà nước cấp mới đưa vào nuôi được 2 năm nay”. Khi đàn dê được lùa vào chuồng xong, vợ anh Hùng tay ôm từng bó cỏ voi đưa vào máy xay nghiền nát làm thức ăn dặm thêm cho đàn dê. Hiện nay, tại một số xã Phong Phú, Phú Lạc, Chí Công chăn nuôi dê phát triển, nhưng chủ yếu nuôi giống dê cỏ, số ít dê Bách Thảo nhốt chuồng và chăn thả rông cho sản lượng thịt thấp, hộ nuôi thu lãi không cao. Năm 2018, anh Hùng được hỗ trợ 11 dê cái Boer, 1 dê đực thuần chủng do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Dê Boer có nguồn gốc ở Nam Phi với đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh và cho sản lượng thịt nhiều hơn các loại dê thông thường, là con vật thuần tính nuôi chăn thả trên đồng cỏ nghèo, khô hạn vẫn phát triển tốt.

Sau thời gian nuôi gần 2 năm anh Hùng chia sẻ: “Giống dê Boer lớn hơn hẳn so với giống dê của địa phương. Mỗi con sinh ra có trọng lượng trung bình hơn 3 kg, to hơn gấp đôi dê thường”. Dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao nên anh Hùng thiết kế theo kiểu chuồng sàn cách mặt đất 60 - 80 cm để tạo không gian thông thoáng, dễ vệ sinh và tiện cho việc thu gom phân dê bón cây trồng. Để đảm bảo đủ lượng thức ăn cho dê, anh Hùng trồng hơn 1 sào cỏ voi là giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong quá trình chăn nuôi, anh luôn tuân thủ đúng quy trình phòng chống dịch bệnh, phun thuốc khử trùng chuồng trại đảm bảo vệ sinh chăn nuôi. Thời gian đến, anh Hùng dự tính mở rộng thêm diện tích chăn nuôi dê Boer lai để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nằm trong dự án  cải tạo đàn dê, ông Nguyễn Văn Hỷ - thôn Phú Điền cũng vừa bán 20 con dê cho lãi khá, ông nói thêm: “Vòng sinh sản của dê Boer rất ngắn, trung bình 2 năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Dê nuôi tầm 4 tháng thì đạt trọng lượng từ 14 - 15 kg có thể bán thịt với giá dao động 160.000 - 180.000 đồng/kg”.

Anh Đinh Văn Thành - cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong cho biết: “Từ hiệu quả của các hộ nuôi sắp tới đây chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm kỹ thuật giúp bà con nhân rộng để phát triển nâng cao tầm vóc đàn dê thương phẩm, cải thiện chất lượng con giống và nâng chất lượng thịt cho đàn dê địa phương, tăng thu nhập cho các hộ nông dân”. Ngoài cải tạo đàn dê, huyện Tuy Phong còn hỗ trợ nông dân các xã Phú Lạc, Phong Phú, Vĩnh Hảo, Chí Công giống cừu Canada, bò Brahma giống ngoại thuần. Qua thời gian nuôi các loại gia súc đều phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương tăng giá trị sản phẩm thịt thương phẩm, con giống khi bán ra thị trường.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong, huyện xác định chăn nuôi gia súc dê, cừu, bò là vật nuôi chủ lực nên việc lai tạo và nâng chất lượng con giống luôn được địa phương quan tâm. Đến nay, Tuy Phong đã phát triển đàn bò trên 14.800 con, trong đó giống bò lai chiếm 72,6% tổng đàn (10.770 con); đàn dê, cừu hiện có 8.290 con.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Hiệu quả nuôi dê Boer ngoại nhập