Theo dõi trên

Tuy Phong: Hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

20/08/2020, 08:35

BT- Thực trạng sản xuất nông nghiệp trên vùng diện tích rộng lớn huyện Tuy Phong trong nhiều năm qua vẫn chưa có chuyển biến lớn, đem lại giá trị hàng hóa cao. Những chuyển biến trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là nhỏ lẻ, chưa mang tính bền vững, sức cạnh tranh thấp... Cũng như ngành nông nghiệp tỉnh, năng lực cạnh tranh ngành chủ lực này lâu nay của Tuy Phong còn thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa đa dạng; mô hình liên kết sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân hạn chế, chưa thật hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, ảnh hưởng biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt ở địa phương này gây khô hạn nhiều tháng trong năm, tác hại không nhỏ đến nông nghiệp…

                
   Trồng rau an toàn.

Bởi vậy, trong 5 năm tới (2021-2025), Tuy Phong tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện khuyến khích đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng chuyên canh một số cây trồng lợi thế có giá trị kinh tế cao; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Huyện xúc tiến phát triển theo hướng dựa vào thị trường mở, sử dụng diện tích đất lúa một cách linh hoạt cho hiệu quả cao cùng với bảo tồn đất nông nghiệp. Đồng thời các địa phương thực hiện đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, đảm bảo chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.

Hiện tại đã có các địa phương, người dân chủ động chuyển đổi cây trồng thích hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đó là 609 ha diện tích cây màu trên đất cát, đất thuê nông lâm, đất trồng lúa gò cao kém hiệu quả đã được người dân một số xã trong huyện chuyển đổi sang trồng cây thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ có giá trị cao (các xã Hòa Minh, Phước Thể, Vĩnh Hảo…). Ở các xã miền núi, vùng cao (Phong Phú, Phan Dũng), bà con chuyển đổi đất màu sang trồng 2 loại cây bưởi, cam; xã Vĩnh Hảo người dân trồng thử nghiệm thành công cây quýt lai, giá trị hơn nhiều so trồng màu… Cùng đó người dân trong huyện cũng đã đưa vào một số giống cây trồng, vật nuôi mới hiệu quả như:giống lúa Đài Thơm 8, giống nho NH01- 152 (Hồng Nhật), trồng rau trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm, chong đèn compact cây thanh long tiết kiệm điện; mô hình trình diễn giống tỏi triển vọng; nuôi cua thương phẩm trong ao đất, nuôi vịt biển ở các xã ven biển…

Trong khi đó toàn huyện đã hình thành 20 trang trại trồng trọt, chăn nuôi như trang trại trồng thanh long, chăn nuôi bò, dê, cừu, gà và trang trại tổng hợp. Số lượng đàn bò đã phát triển lên 15.735 con (trong đó bò lai 10.770 con, chiếm 68,44%); tổng đàn dê, cừu 9.973 con, bà con đã nuôi thử nghiệm giống cừu Canada và giống dê Úc; tổng đàn gia cầm  85.810 con… Huyện cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Ớt chim Bình Thạnh”, “Mủ trôm Tuy Phong” tiêu thụ trong, ngoài tỉnh… Cùng đó các công trình hệ thống kênh thủy lợi được nối mạng tới các xã: Hòa Minh, Phong Phú, Phú Lạc và hệ thống kênh nội đồng thuộc dự án Hồ chứa nước Phan Dũng, phục vụ tưới tiêu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn xây dựng nông thôn mới, theo Nghị quyết Đảng bộ huyện Tuy Phong khóa IX đã đề ra, cần được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.

 Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp