Theo dõi trên

Tuy Phong: Quyết liệt tháo dỡ cội chà, bè nuôi hải sản trái phép trên biển

13/11/2024, 05:07

Hơn 1 tháng nay, một số hộ dân ở xã Chí Công (huyện Tuy Phong) đã tự ý làm cội chà, khoanh nuôi hải sản trái phép trên vùng biển Gành Rái, Bình Thạnh, dẫn đến xung đột ngành nghề tại địa phương.

Xung đột ngành nghề

Sự việc bắt nguồn từ giữa năm 2023, ở địa phương có 1 hộ chuyên thu mua điệp quạt phân phối trong và ngoài tỉnh. Đối với loại điệp lớn, hộ này sẽ xuất bán, riêng điệp còn nhỏ, sẽ thả lại xuống biển tiếp tục nuôi ở vùng biển Bình Thạnh. Chuyện sẽ không ồn ào nếu điệp quạt năm đó không được giá và hộ này khai thác được số lượng điệp đã nuôi với giá cao. Thế là một số người dân địa phương cũng mon men mua điệp quạt con, sò lông con về thả nuôi. Từ 1, 2 hộ rồi lan ra hơn chục hộ, mạnh ai nấy nuôi ở các vùng biển ven bờ Gành Rái, Bình Thạnh.

untitled_1.2.11.jpg
Sào cắm mốc đánh dấu vị trí thả sò nuôi.

Đi dọc ven biển cách bờ khoảng 1- 2 hải lý ở 2 địa phương này, sẽ dễ dàng thấy những cây sào cắm mốc, những bè nổi có dòng chữ “cấm lặn”. Không chỉ tự ý lấn chiếm mặt nước, các hộ này còn dùng bao cát, thùng xốp, đất đá, đổ bê tông thả xuống biển để giữ chà và bè cố định bằng dây cáp, thậm chí rào lưới dưới biển để “làm nhà”, thuê người trông coi, nếu thấy ai mon men đến gần khu vực này đánh bắt sẽ xua đuổi, đe dọa khiến nhiều ngư dân bức xúc.

untitled_1.1.77.jpg
untitled_1.1.75.jpg
Bè nổi với dòng chữ "cấm lặn" được các hộ nuôi tự ý lập nên đánh dấu "chủ quyền".

Các hộ dân hành nghề lưới rê khu vực Chí Công cho biết: “Đây là khu vực chúng tôi thường xuyên đánh bắt, thả lưới, nhưng từ khi các hộ này tự ý lấn chiếm mặt nước, chúng tôi bị đẩy đuổi, hầu hết các tay lưới khi thả đều vướng vào dây cáp, vật cản trên biển dẫn đến rách lưới, tốn hàng triệu đồng và nguồn thu nhập giảm hẳn. Đây là vùng biển chung, mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp tháo dỡ các bè nuôi, vật cản trên biển để chúng tôi an tâm đánh bắt trở lại”.

dsc01863.jpg
Khu vực Chí Công có lượng điệp quạt vô cùng dồi dào.

Ông Trương Văn Thạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Chí Công cho biết: “Từ ngày 3/10 đến nay, tình hình xung đột ngành nghề ở địa phương rất phức tạp. Những ngư dân tự ý thả các cội chà nhằm khoanh nuôi và khai thác hải sản như sò lông, sò ngọt, điệp quạt… nhưng đều chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Sự việc trên đã làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các ngành nghề khai thác hải sản truyền thống của địa phương, nhất là nghề lưới rê, lặn... gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến tình hình mất an ninh trật tự tại địa phương. Để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong ngư dân, UBND xã Chí Công đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, ban hành nhiều thông báo, tổ chức tuyên truyền, đề nghị các cá nhân tự ý tháo dỡ các cội chà tại tuyến ven bờ và tuyến lộng khu vực vùng biển Gành Rái – Chí Công – Bình Thạnh tự phát, trả lại hiện trạng như ban đầu. Đồng thời, nếu ngư dân nào muốn thực hiện việc khoanh nuôi và tái tạo nguồn lợi thủy sản thì liên hệ cơ quan có thẩm quyền để khảo sát khoanh vùng và hướng dẫn cụ thể theo quy định của pháp luật”.

untitled_1.1.60.jpg
Chính quyền địa phương phối hợp ra quân tháo dỡ vật cản trên biển.

Cần giải pháp cứng rắn

Qua sự việc trên, UBND huyện Tuy Phong đã chỉ đạo các địa phương phối hợp Trạm Kiểm ngư khu vực Tuy Phong, Đồn Biên phòng Hòa Minh, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Liên Hương tiến hành cắt dây cáp, tháo bỏ các cội chà, các bè nổi, đồng thời tuyên truyền các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, trả lại mặt biển chung cho ngư dân cùng đánh bắt. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số hộ chưa chấp hành. Ngày 24/10, Đồn Biên phòng Hòa Minh, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Liên Hương, Trạm Kiểm ngư khu vực Tuy Phong đã phối hợp với UBND xã Chí Công, xã Bình Thạnh tổ chức ra quân tháo dỡ các vật cản trên biển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, địa phương gặp một số khó khăn.

untitled_1.1.63.jpg
Ngành chức năng ra quân cắt cáp, tháo dỡ bè nổi trên biển.
untitled_1.2.10.jpg
Lực lượng Kiểm ngư khu vực Tuy Phong thảo dỡ vật cản trên biển.

Ông Thạnh chia sẻ thêm: “Khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi chỉ tháo dỡ vật cản phía trên, riêng các trụ bê tông, bao cát nằm sâu dưới biển rất nặng, hiện chúng tôi không có thợ lặn, máy hơi và phương tiện để tháo dỡ, di dời. Ngoài ra, những ngày qua, ảnh hưởng của cơn bão số 6, nên các phương tiện của địa phương đã kéo lên bờ, vì vậy không có phương tiện và con người để thực hiện công tác tháo dỡ. UBND xã Chí Công kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các ngành có liên quan họp khẩn bàn phương án, có giải pháp thuê phương tiện, con người thực hiện để đảm bảo an toàn, hiệu quả và khả thi…”.

untitled_1.1.39.jpg
Nếu không giải quyết triệt để, xung đột ngành nghề sẽ tái diễn phức tạp hơn.

Được biết, đang vào vụ bấc là mùa làm ăn chính của những ngư dân hành nghề lặn ở xã Chí Công. Do đó, chính quyền địa phương cũng dự báo tình hình sẽ còn phức tạp, kéo dài nếu chỉ tháo dỡ phần nổi, “xác nhà” vẫn còn nằm dưới biển nhằm đánh dấu vị trí, khả năng họ tái diễn thả nuôi là điều khó tránh khỏi. Vì thế, nếu không có giải pháp cứng rắn, giải quyết triệt để các hộ nuôi trái phép này, thì sự việc sẽ lặp lại, chỉ là dịch chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Nghe đâu, một số hộ nuôi đã mon men về vùng biển Phú Tân – thị trấn Phan Rí Cửa thả nuôi với hình thức tương tự?!

Để thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản, các tổ chức, cá nhân, cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu đã được quy định tại Luật Thủy sản năm 2018 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 26. Trong đó, địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật; phải lập dự án nuôi trồng thủy sản và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản. Theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khảo sát mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Hàm Thuận Nam
BTO-Sáng 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Hồng Hải làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 3 xã ven biển huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản; lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam và 3 Hội Cộng đồng ngư dân ở 3 xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Quyết liệt tháo dỡ cội chà, bè nuôi hải sản trái phép trên biển