Nhìn lại những gì diễn ra một năm qua cho thấy bức tranh chung của huyện vẫn đậm màu tươi sáng; vượt lên bao biến cố, khó khăn trong cuộc sống xảy ra với tình cảnh “ai ở đâu ở yên đó” trong thời dịch Covid-19, Tuy Phong đã triển khai quyết tâm nhiều giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội tiếp tục được khai thác để phát triển bền vững, Tuy Phong đã nghiêm túc triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, trong đó công tác tuyên truyền, vận động đi vào hiệu quả thực chất, sát với nhân dân; dân chủ trong xây dựng Đảng, chính quyền và công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện tốt; đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của chính quyền được triển khai đồng bộ cùng với sự giám sát hiệu quả của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tập trung giải quyết tốt hơn các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; qua đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện, tu dưỡng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự nhất trí, đồng thuận, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được nâng lên.
Kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, diện mạo đô thị và vùng nông thôn, miền núi tiếp tục khởi sắc; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 đều đạt và vượt mức kế hoạch. Các loại hình thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất; thu ngân sách 360 tỷ đồng, vượt 65% dự toán; tiếp nhận 28 hồ sơ đăng ký đầu tư, đồng thời cấp 942 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản, bảo vệ môi trường, gắn với quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng hiệu quả hơn; tập trung thực hiện tốt các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch, nhất là các công trình hạ tầng khu dân cư, giao thông, giáo dục, y tế... góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, cải thiện đời sống nhân dân. Trong công nghiệp, Tuy Phong vẫn là vùng đất thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ và chế biến nông, thủy sản, giải quyết nhiều lao động làm việc với mức thu nhập ổn định. Một yếu tố góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong năm, đó là cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng khang trang, các tuyến đường giao thông nông thôn đã kết nối thuận lợi giao thương giữa các vùng, đồng thời mở ra một hướng đi mới hơn đó là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn huyện.
Trong khó khăn của nền nông nghiệp, Tuy Phong đã tập trung triển khai các giải pháp có hiệu quả phát huy hệ thống công trình thủy lợi, đất đai, nhất là thay đổi nhận thức tư duy và phương thức sản xuất của người dân, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật, khuyến khích, định hướng cho nhân dân chọn giống, mô hình sản xuất có chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất tập thể để tăng tính hiệu quả trong sản xuất, trong đó sản lượng lúa cả năm 28.311 tấn, đạt 111,3% kế hoạch, giống nho (46,9 ha), táo (70 ha) phát triển phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường hiện nay. Kinh tế biển được chú trọng, nhờ đó từ kết cấu hạ tầng cho đến các khâu khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy sản tiếp tục giữ vững ổn định, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, tái cơ cấu lại nghề cá; sản lượng được 55.000 tấn, đạt 104,18%; giữ vững thương hiệu tôm giống Tuy Phong.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, Tuy Phong luôn coi trọng việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, lấy văn hóa làm nền tảng và động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả khá tốt, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm, chất lượng giáo dục đi vào chiều sâu, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư nâng cấp đáp ứng tốt hơn công tác dạy và học, với 22 trường đạt chuẩn quốc gia. Các lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương, Pô Tằm, cầu ngư, Đại hội thể dục thể thao và cuộc thi ảnh đẹp đã góp phần giới thiệu đất nước, con người cũng như nét văn hóa đặc sắc, sự thân thiện và mến khách của người dân Tuy Phong từ ngàn xưa. Chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, phòng chống dịch bệnh được chú trọng; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100,23%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,70%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Các chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo người có công với nước, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo... được thực hiện khá tốt. Sau đại dịch Covid-19, du lịch Tuy Phong đã khôi phục và phát triển, thu hút trên 1.000 lượt khách du lịch, bằng 250% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều điểm tham quan về lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống... đã đưa Tuy Phong trở thành một điểm đến ưa thích của du khách trong nước và nước ngoài.
Có thể nói, những kết quả mà huyện Tuy Phong đạt được trong năm 2022 là minh chứng cụ thể, khẳng định rõ vai trò lãnh đạo, đoàn kết thống nhất cao của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm xây dựng huyện Tuy Phong ngày càng phát triển toàn diện.