Theo dõi trên

Tuyến đường Bà Triệu (TP. Phan Thiết): Nguy cơ tái chiếm vỉa hè?

26/04/2017, 08:29

BT- Từ khu phố đến UBND phường, công an và các đoàn thể mất gần nửa năm trời tuyên truyền, vận động và sáng kiến tạo điểm bán hải sản tập trung cho bà con nghèo bán lấn chiếm trên vỉa hè, trả lại tuyến đường Bà Triệu lề thông hè thoáng. Điểm bán hải sản tập trung vừa đi vào hoạt động ổn định và con đường thông thoáng thì nguy cơ “chuyện cũ” tái diễn vì thành phố cấp phép cho một số hộ kinh doanh hải sản ngay tại nơi phường vừa di dời…

                
Chợ nhỏ hải sản Phú Trinh.

Con đường phức tạp

Từ đầu tháng 4/2017 đến nay, người dân thành phố khá vui khi thấy phường Phú Trinh “dọn dẹp” khá tốt 2 tuyến đường Lê Hồng Phong và Bà Triệu, lấy lại vỉa hè thông thoáng cho cả người đi bộ lẫn các phương tiện lưu thông. Đặc biệt việc cấm buôn bán trên vỉa hè nhưng “không bỏ rơi” người nghèo buôn bán hải sản nhiều năm trên vỉa hè để kiếm cơm qua ngày trên đường Bà Triệu, Chi bộ khu phố 8, phường Phú Trinh đã tham mưu Đảng ủy và UBND phường Phú Trinh thành lập điểm bán hải sản trên đường Lê Thị Hồng Gấm, gần đường Bà Triệu để bà con nghèo có kế sinh nhai…

Đường Bà Triệu có đoạn ngã tư Trần Phú về hướng Văn Thánh khoảng 700 m nhiều năm nay khá phức tạp. Đây là điểm tập kết hải sản từ các ghe nhỏ mới đánh bắt được đưa thẳng lên… đường bán nên độ tươi ngon phải nói là bậc nhất Phan Thiết. Ngoài ra, giá cả cũng tương đối phải chăng, có thể nói là rẻ hơn nhiều nơi bán hải sản vài giá. Từ 10 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm, nhiều hộ bày thau, rổ và cả những chiếc xô đựng nghêu, sò, ốc, ghẹ, bạch tuộc… tràn ra đường. Ai chạy xe ngang cũng nghe tiếng tranh nhau mời chào “ốc đi anh, ghẹ đi chị…” Người mua tranh thủ dừng xe ngay lòng đường ngã giá mua. Trong lúc đoạn đường này là “xương sống” lưu thông về Phan Thiết, đường hẹp, người lưu thông đông cộng thêm cảnh người bán chiếm vỉa hè, người mua dừng xe trên đường nên chuyện kẹt đường, va quẹt luôn xảy ra.

Nhiều người ví von cung đường Bà Triệu là chợ hải sản di động “có một không hai” ở Phan Thiết. Chưa hết, nơi đây thường xuyên nghe cãi lộn, đánh nhau như cơm bữa vì tranh giành chỗ ngồi, rồi vay - trả tiền góp, rồi việc xả nước thải, hải sản chết ra đường gây mất vệ sinh… nên chỉ một đoạn đường ngắn mà độ phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT) khá cao…

Chợ nhỏ hải sản Phú Trinh

Không chỉ tôi hay đi về trên đoạn đường Bà Triệu mà nhiều người mua hải sản ở đây khá bất ngờ khi đầu tháng 4/2017, nhiều hộ bán hải sản trên đường Bà Triệu “mất tích”. Thấy lạ ghé lại hỏi anh dân phòng “trực chiến” trên vỉa hè, anh cười cười chỉ về hướng cầu Lò Heo: “Anh qua cầu một tí thấy tấm bảng “điểm bán hải sản vào 50 m” là khu vực bà con bán hải sản vỉa hè trên này tập trung về bán ở đó”. Theo bảng chỉ dẫn tôi đến điểm tập trung bán hải sản. Điểm bán hải sản nằm sát mé sông Cà Ty khá thoáng mát, nền được tráng xi – măng sạch sẽ, những con sò điệp, sò dương “tươi trong” đựng trong thau nhôm trông khá hấp dẫn. Chị Hoa, người bán càng cụm, ghẹ, ốc vôi… trên vỉa hè Bà Triệu gần chục năm, nay về điểm bán mới chia sẻ: Mấy ngày đầu dời ra bán ở điểm tập trung ế kinh khủng, chưa ai biết để đến mua. Tuy vậy đa phần chị em bán ở đây động viên nhau phải cố trụ vì khu phố và phường đã tạo điều kiện giúp đỡ. Qua nửa tháng bán ở điểm tập trung, nhiều người đã biết và tìm đến mua khá đông.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ quán nhậu hải sản trên đường Phạm Ngọc Thạch chuyên lấy đồ tươi sống ở điểm bán tập trung hải sản Phú Trinh, tâm sự: Mình  lấy mối của mấy chị đã khá lâu nhưng ngại nhất là phải dừng xe rồi bị công an nhắc nhở. Giờ phường thành lập điểm bán – anh em chúng tôi gọi là chợ nhỏ hải sản Phú Trinh, ai cũng vui vẻ vì có nơi mua bán đàng hoàng… Đứng quan sát khoảng gần tiếng đồng hồ, nhìn chợ nhỏ hải sản Phú Trinh hoạt động tôi cảm thấy vui lây.

Nguy cơ tái chiếm vỉa hè?

Bí thư Chi bộ khu phố 8, cho biết thêm: Lên kế hoạch từ tháng 8/2016, được thống nhất cao của Đảng ủy, UBND phường Phú Trinh. Khu phố tiến hành tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, xây dựng mô hình tuyến đường Bà Triệu ANTT, ATGT, vệ sinh môi trường (VSMT) và tuyến phố văn minh. Chi bộ và Ban điều hành khu phố 8 đã kiên trì thuyết phục vận động nên đã lấy lại vỉa hè đường Bà Triệu từ 1/4/2017. Chiến dịch ra quân thành công, 19 hộ chuyên bán hải sản vỉa hè đường Bà Triệu tự giác di dời ra “chợ hải sản nhỏ”.

Tuy nhiên, do trên tuyến đường Bà Triệu - “điểm nóng” bán hải sản trước đây có vài hộ cho thuê nhà để người khác bán hải sản, nên khoảng 1 tuần sau khi những hộ khác chấp hành ra “chợ nhỏ hải sản” bán thì những hộ thuê nhà vẫn không chấp hành di dời ra điểm tập trung. Những hộ chấp hành tốt bức xúc lại kéo lên chỗ cũ lén lút bán, số khác tập trung kiến nghị khu phố và phường phải xử lý dứt điểm không cho bán trên vỉa hè đường Bà Triệu, bởi người ở lại nghiễm nhiên “cướp” hết mối và khách của những người đã dời đi. UBND phường và khu phố phải vận động chủ nhà cho những người thuê bán hải sản ngưng ký hợp đồng cho thuê. Đã có hộ đồng lòng ngưng thuê nhà để bán hải sản. Được vài ngày “yên ổn”, cả khu phố và những hộ bán hải sản ở điểm tập trung vui ra mặt. Thế nhưng mới đây có vài hộ xin được giấy phép kinh doanh nên tình hình lại “căng”.

Ông Trương Hồng Quỳnh – Bí thư Chi bộ khu phố 8 cho biết: Tôi khá bức xúc khi chủ trương của thành phố và phường xây dựng tuyến phố ANTT, ATGT, VSMT đã được khu phố dày công thực hiện. Bước đầu đã chuyển biến tốt nhưng sự phối hợp giữa các ngành khi cấp phép cho những hộ kinh doanh hải sản ngay “điểm nóng” tuyến đường mới “dọn dẹp – xây dựng mô hình” xong, nguy cơ những hộ được cấp phép kinh doanh hải sản lại “núp bóng” để buôn bán lấn chiếm lòng đường. Việc này sẽ gây bức xúc cho những hộ đã chấp hành tốt ra điểm bán tập trung, khu phố và phường sẽ rất cực khi không biết giải thích với người dân ra sao?

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến của các hộ bán hải sản ở điểm tập trung cho rằng, nếu vẫn còn hộ bán hải sản ngay “điểm nóng” họ sẽ ra lại mặt đường bán vì bán ở điểm tập trung sẽ ít khách, không cạnh tranh nổi với chỗ cũ trên đường Bà Triệu. Anh Trịnh Hoàng Sơn Thúy kiến nghị: Thành phố cần hoàn thiện tính pháp lý khi quy hoạch điểm bán hải sản với việc cấp phép kinh doanh. Cần giao cho phường quản lý khu vực trao đổi mua bán hải sản  ở những nơi làm điểm xây dựng mô hình tuyến đường ANTT, ATGT, VSMT và tuyến phố văn minh như ở đường Bà Triệu, tránh sự chồng chéo trong khâu quản lý gây khó khi thi hành chủ trương…

Phóng sự: Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
IOC La Gi: “Bộ não số” cho đô thị thông minh
Thực hiện thông báo của UBND tỉnh về triển khai sử dụng thử nghiệm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bình Thuận từ tháng 11/2024 đến hết tháng 1/2025, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND thị xã La Gi và đơn vị xây dựng IOC Bình Thuận đã thực hiện thiết lập, cấu hình IOC La Gi để triển khai sử dụng thử nghiệm.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyến đường Bà Triệu (TP. Phan Thiết): Nguy cơ tái chiếm vỉa hè?