Người dân chọn mua rau củ sạch được bày bán tại siêu thị Co.opmart. Ảnh minh họa |
Về các ý kiến trên, UBND tỉnh trả lời như sau: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra 124 cơ sở, đã phát hiện và xử lý 15 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách nhà nước trên 130 triệu đồng, 7 vụ đang chờ xử lý. Bên cạnh đó, ngày 16/8/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1044/QĐ-SNN về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành (có lực lượng quản lý thị trường tham gia) tiến hành kiểm tra từ ngày 15/9/2016. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hành vi vi phạm, góp phần tích cực ổn định giá cả thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời, nếu cử tri trong tỉnh phát hiện hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị cử tri báo tin cho Đội quản lý thị trường hoặc Phòng nông nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường để kịp thời kiểm tra ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp thực phẩm sạch, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để phục vụ cho nhân dân. Cụ thể như Siêu thị Co.opmart Phan Thiết, Siêu thị Co.opmart La Gi và Trung tâm thương mại Lotte ... chủ yếu là cung cấp rau các loại và thịt heo, thịt gà, trứng an toàn. Các đơn vị này đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc cung cấp thực phẩm cho nhân dân phần lớn chủ yếu là ở các chợ. Do đó, thực hiện Công văn số 6359/BCT-TTTN ngày 9/7/2014 của Bộ Công Thương về việc xây dựng mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp sở, ngành liên quan xây dựng mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gửi Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, tạo điều kiện để Bình Thuận triển khai xây dựng mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được thuận lợi. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, làm tiêu chí để nhà sản xuất và người tiêu dùng dễ nhận biết xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Đây cũng là cách để loại dần thực phẩm bẩn khỏi thị trường. Để từng bước thiết lập hệ thống cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã thường xuyên mở rộng mối quan hệ hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và miền Trung, Tây nguyên như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Ninh Thuận… Trong đó, chủ yếu tập trung công tác tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, làm cầu nối để giới thiệu các nhà phân phối của tỉnh với các nhà sản xuất thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu hầu hết đều đã được địa phương công nhận đảm bảo đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
H.L