Theo dõi trên

Ứng dụng đề tài khoa học vào đời sống

01/06/2016, 09:09

BT- Bình Thuận ngày nay có khá nhiều sản phẩm, sản vật, ngành nghề có lợi thế, cần được bảo tồn, lai tạo để phát huy phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Một trong số sản phẩm ấy đã được tỉnh đưa vào nhân rộng là mủ trôm. Cây trôm đã định hình phát triển ở huyện Tuy Phong, sản phẩm mủ trôm cũng được chú ý trên thị trường, cần được tiếp sức. Ông Nguyễn Linh Nhơn, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) cho biết: Thông qua nghiên cứu, đánh giá đặc tính nổi trội chất lượng mủ trôm sản xuất tại Tuy Phong so với các địa phương khác trong tỉnh, một số tỉnh lân cận để khoanh vùng khu vực tương ứng (xây dựng các bản đồ vùng sản xuất, các tiêu chí về điều kiện tự nhiên, con người, xác định bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý). Qua đó, tỉnh xây dựng thương hiệu mủ trôm Tuy Phong; tạo dựng nhận thức, nhu cầu sử dụng sản phẩm đặc trưng rộng rãi trên thị trường…

                
Sản phẩm mủ trôm.

Thanh long Bình Thuận (cùng nước mắm Phan Thiết được xác nhận chỉ dẫn địa lý), Sở KH & CN đã triển khai 2 đề tài. Đó là quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bệnh đốm nâu (đốm trắng) trên cây thanh long, giảm thiệt hại tối đa cho người nông dân trong phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo sản phẩm trái thanh long không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc dư lượng này dưới ngưỡng cho phép. Cùng với đó là tuyển chọn du nhập, chuyển giao các giống thanh long mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp điều kiện canh tác địa phương; đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, nhu cầu thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, thông qua mô hình, đề xuất quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ một số sâu bệnh hại cây lúa do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện, đồng thời chi cục giúp bà con nông dân áp dụng một cách hiệu quả kỹ thuật 1P5G kết hợp ứng dụng các sản phẩm sinh học vào sản xuất tại các vùng trồng lúa trong tỉnh, hướng đến chất lượng gạo thơm ngon, tiêu thụ trong, ngoài nước.

Trên lĩnh vực ngành nghề đánh bắt thủy sản, Sở KH & CN triển khai đề tài: Thiết bị kéo tàu gồm các cụm bánh xe có gắn phao nổi, lắp dưới thân để kéo tàu công suất dưới 90 CV lên bờ tránh bão tại các bãi ngang ven biển Bình Thuận. Bà con ngư dân có thể sử dụng nguồn động cơ diesel cho thiết bị cơ động này, kéo tàu lên bờ đảm bảo an toàn, giảm thời gian 30 - 60 phút cho mỗi lần kéo tàu lên hoặc xuống biển, tiết kiệm 30% chi phí (1 triệu đồng) so cách làm thông thường trước đây.

Ngoài ra, Sở KH & CN, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình bảo tồn, khai thác các tài sản sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực ẩm thực Bình Thuận (bánh canh chả cá, bánh căn, lẩu thả). Đơn vị chức năng tìm hiểu nguồn gốc, cách chế biến, giá trị dinh dưỡng; các địa điểm có đặc sản đặc trưng lâu đời mang bản sắc hương vị quê hương. Đồng thời đề xuất 5 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách phát triển dịch vụ ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quảng bá hình ảnh (hội chợ ẩm thực), nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức thực hiện nhằm phát huy hoạt động kinh doanh dịch vụ ẩm thực, góp phần phát triển du lịch Bình Thuận… Có thể nói thông qua triển khai các đề tài khoa học, công nghệ, sưu tầm hỗ trợ đặc sản tỉnh nhà để đưa vào ứng dụng thực tế, kích thích phát triển tiềm năng, lợi thế địa phương. Các sản phẩm lợi thế ngày càng mang lại nhiều lợi ích, đem lại giá trị cao hơn.

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng đề tài khoa học vào đời sống