Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, diện tích thanh long hiện nay trên địa bàn tỉnh là 27.757 ha, tăng 17.095 ha so với năm 2008 và tăng 726 ha so với năm 2016; sản lượng thu hoạch đạt 540.252 tấn, tăng 304.184 tấn so với năm 2008 và tăng 22.127 tấn so với năm 2016; năng suất đạt 21 tấn/ha. Đến nay, hoạt động trồng và tiêu thụ thanh long Bình Thuận đã đạt được những thành tựu đáng kể, tốc độ tăng diện tích và sản lượng rất nhanh. Diện tích từ 10.663 ha năm 2008, tăng lên 27.757 ha năm 2017; sản lượng từ 236.000 tấn năm 2008, tăng lên 540.000 tấn năm 2017. Về sản xuất thanh long theo VietGAP đạt được 9.510 ha, chiếm tỷ lệ 34,26% diện tích trồng thanh long cả tỉnh, với hơn 9.000 hộ nông dân tham gia và hình thành được 382 tổ hợp tác, nhóm liên kết và trang trại; sản xuất VietGAP bước đầu đi vào thực chất và đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân.
Tại buổi họp, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, với sản lượng trên 600 ngàn tấn/năm, thị trường tiêu thụ thanh long Bình Thuận còn rất lớn. Do đó, để tiếp tục mở rộng thị trường, ngành Công thương đang hướng đến thị trường khác như Ấn Độ… Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam cho biết, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp& PTNT, trong năm 2018, thị trường nông sản Việt Nam rất lớn, nhất là thanh long. Do đó, cần nâng cao nhận thức trong an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu rộng về hàng rào kỹ thuật của các nước tiêu thụ thanh long.
Sau khi nghe các ý kiến, đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh đánh giá: Từnăm 2017 đến nay, tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long của tỉnh thuận lợi hơn trước. Mặt khác, do nắng hạn kéo dài nên bệnh đốm nâu trên cây thanh long lây lan ít hơn các năm trước. Vừa qua, các ngành, địa phương đã có cố gắng hợp tác, liên kết sản xuất, có một số mô hình hiệu quả từ sản xuất đến tiêu thụ thanh long. Đồng thời một số nhà vườn sản xuất theo hướng công nghệ cao, sạch, hữu cơ…rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, công tác phòng trừ dịch bệnh đốm nâu còn diễn biến phức tạp, chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời. Tỷ lệ sản phẩm đạt xuất khẩu giảm xuống, sản xuất theo VietGAP nhiều nơi còn hình thức; chất lượng trái thanh long bị suy giảm…Ngoài ra, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh và rủi ro, xuất khẩu chính ngạch giảm sâu, biên mậu phụ thuộc thương lái Trung Quốc… nếu không chấn chỉnh và nước ngoài áp dụng hàng rào kỹ thuật, thanh long Bình Thuận sẽ đứng trước khó khăn, thách thức.
Xác định cây thanh long là lợi thế nổi trội của Bình Thuận, có điều kiện phát triển tốt hơn các địa phương khác, đóng góp quan trọng thu nhập của nông dân trong tỉnh. Do đó, các ngành, địa phương trong tỉnh nhận thức rõ để chung tay động viên, khắc phục hạn chế nêu trên, khôi phục phát triển lâu dài. Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ngành, hội nông dân, chính quyền cơ sở phải vào cuộc chỉ đạo hướng dẫn để phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long,áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung các biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu. Đặc biệt,ứng dụng phương thức canh tác hữu cơ, đẩy mạnh VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường,tái cải tạo vườn thanh long, nhân rộng giống mới, nhất là ruột đỏ để đa dạng sản phẩm…
Về vấn đề thị trường, các ngành cần hỗ trợ thị trường xúc tiến thanh long, coi trọng thị trường nội địa. Riêng xuất khẩu, phải mở ra nhiều thị trường, chú trọng xuất khẩu chính ngạch, đồng thời khẳng định xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn là chính, chủ lực. Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, phải tập trung chỉ đạo kiểm tra kiểm soát tình hình, phòng trừ bệnh đốm nâu; tạo điều kiện tối đa để phát triển công nghệ chế biến thanh long. UBND tỉnh và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát người nước ngoài núp bóng doanh nghiệp, kiểm tra xử lý nghiêm túc, tránh thua thiệt, rủi ro cho nhà vườn, rà soát lại việc thu thuế thanh long, không để thất thu…
Kiều Hằng